Tỷ giá căng vì ẩn số giá dầu, nhập siêu?

Sau 3 ngày đột ngột tăng nóng, chiều 15/5, giá USD trên thị trường ngân hàng bất chợt hạ nhiệt. Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra động thái sẵn sàng bán can thiệp được cho là lý do khiến thị trường dịu lại.

Nóng vì cầu USD mạnh

Hơn 10 giờ sáng qua, mức niêm yết giá mua vào – bán ra của ngân hàng Vietcombank ở mức 21.745 – 21.850 đồng/USD. Cùng thời điểm, ngân hàng BIDV điều chỉnh tăng mức niêm yết lên 21.770 – 21.830 đồng/USD.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ. Cụ thể, Sở Giao dịch NHNN đã niêm yết tỷ giá ở mức mới là  21.600 đồng/USD mua vào và 21.820 đồng/USD giá bán ra. Theo số liệu cập nhật mới nhất trong tuần 4-8/5 (tuần điều chỉnh tỷ giá – ngày 7/5), giao dịch trên hệ thống liên ngân hàng đạt khoảng 400 triệu USD/ngày, giảm gần 1 nửa so với tuần trước đó.

“Với vai trò là người mua bán cuối cùng, mức giá trên cho thấy Sở Giao dịch NHNN đã sẵn sàng can thiệp khi có biểu hiện căng thẳng cung cầu”, đại diện một ngân hàng nhận xét. Liền sau đó, Vietcombank lập tức giảm 25 đồng chiều mua vào và 5 đồng chiều bán ra so với khi mở cửa, còn 21.720- 21.780 đồng/USD.

Nhận xét về diễn biến thị trường suốt tuần qua, một chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể USD trong hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, nhưng tâm lý kỳ vọng tỷ giá khiến nhà băng chỉ cần bán cầm chừng thì “người mua bán cuối cùng” là NHNN phải vào cuộc để tạo thanh khoản. Nếu bán USD thì giảm dự trữ. Còn trên thị trường tự do không có một thống kê nào đủ, nhưng xét ở tâm lý người dân, việc mua USD có thể cao hơn lượng muốn bán.

Cần thông điệp rõ ràng

Trong một lần trao đổi với báo chí, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ quan điểm chủ động trong điều hành tỷ giá: “Trong điều hành tỷ giá, phải hiểu đúng bản chất vấn đề, chứ sai thì không thể chấp nhận được. Cùng đó, phải đánh giá được tâm lý thị trường và phải quyết liệt đủ bản lĩnh quyết đáp nhanh”, ông Bình nói.

Động thái NHNN sẵn sàng bán ra can thiệp được tung ra cùng thời điểm Tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 4, số liệu thống kê xuất nhập khẩu sơ bộ cho thấy Việt Nam xuất siêu hơn 900 triệu USD.

Theo nhiều chuyên gia, việc cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư 905 triệu USD giúp giá trị nhập siêu trong 4 tháng đầu năm 2015 thu hẹp còn 2,07 tỷ USD (không còn ở mức hơn 3 tỷ USD như Tổng cục Thống kê công bố trước đó) là tin tốt lành và ít nhiều nhấc bớt gánh nặng tâm lý về cơn khát ngoại tệ của thị trường cho NHNN.

Theo TS. Cấn Văn Lực, room tỷ giá hiện đã điều chỉnh 2% theo định hướng ban đầu, từ nay đến cuối năm nếu thị trường bên trong và ngoài có biến động mạnh sẽ cần phải xem xét khả năng có điều chỉnh khác hay không, nếu có, cần có động thái truyền thông rõ ràng với thị trường.

“Câu chuyện điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm khó khăn hơn nhiều. Yếu tố bên ngoài diễn biến không thuận lợi về giá dầu và tỷ giá đô la Mỹ. Room điều chỉnh đã hết nên nếu như thị trường có biến động bất lợi đòi hỏi những điều chỉnh khác, cần phải có tính toán cân nhắc, có thông điệp cụ thể với thị trường”, ông Lực nói.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 5, giá gạo không tăng, thậm chí giảm nhẹ, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định; giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng dự báo không có biến động. Tuy nhiên, còn một ẩn số đó là giá xăng, dầu tiếp tục biến động khó lường và được cho là có thể tiếp tục tăng. Theo tìm hiểu của PV, sáng qua thị trường xuất hiện một “lệnh” mua ngoại tệ khá lớn (147 triệu USD) đến từ một tập đoàn kinh tế. “Trong bối cảnh NHNN chưa bán ra can thiệp, đây có thể là lý do khiến tỷ giá căng”, một đại diện ngân hàng nhận định.

Theo Khánh Huyền

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin