Công thức thành công của Alibaba luôn đánh bại công thức thành công của Amazon ở một chuẩn đo chủ chốt, đó là lợi nhuận biên hoạt động.
Có thể nói Alibaba và Amazon hiện đều đang có chiến lược kinh doanh đúng đắn vào đúng thời điểm, và cả hai đều có công thức thành công riêng mang lại lợi nhuận lớn cho các cổ đông của họ.
Cổ phiếu của Alibaba đã tăng 63,97% trong 12 tháng qua và 146,15% suốt hai năm qua, trong khi cổ phiếu của Amazon tăng 67,76% và 121,44% trong cùng kỳ.
Dù không rõ công ty nào mang lại hiệu suất tốt hơn cho cổ đông của họ trong tương lai, nhưng có một điều rất rõ ràng: công thức thành công của Alibaba luôn đánh bại công thức thành công của Amazon ở một chuẩn đo chủ chốt, đó là lợi nhuận biên hoạt động.
Trong quý gần đây nhất, lợi nhuận biên hoạt động của Alibaba là 31,25%, trong khi của Amazon là 2,31% (xem các bảng).
Các chuẩn đo của Alibaba so với Amazon tính đến ngày 4/5/2018
Các chuẩn đo của Alibaba so với Amazon tính đến ngày 21/8/2017
Các chuẩn đo của Alibaba so với Amazon tính đến ngày 28/1/2015
Nói một cách đơn giản là, mô hình kinh doanh của Alibaba mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với Amazon, vì một sự khác biệt chủ chốt ở cách hai công ty tiếp cận và “tiền hóa” hoạt động thương mại điện tử. Cách tiếp cận của Amazon là mang lên mạng cách tiết kiệm chi phí nhờ quy mô giống như cách làm của Walmart. “Về cơ bản, đó là tạo ra một nhà bán lẻ lớn dựa trên một mô hình số lượng lớn, chi phí thấp, nhờ vào quy mô khổng lồ và công nghệ để tạo ra sự tiết kiệm chi phí”, Porter Erisman, tác giả cuốn Six Billion Shoppers (6 tỉ người mua sắm), giải thích. Và họ đã chuyển những điều đó sang người tiêu dùng với mức lợi nhuận biên cực kì thấp.
Trái lại, cách tiếp cận của Alibaba là mang tinh thần doanh nhân tập thể lên mạng, một mô hình kinh doanh theo mạng lưới, biến những người bán hàng mà niêm yết sản phẩm của họ trên trang Taobao thành doanh nhân.
Ở một góc độ nào đó, cách tiếp cận của Alibaba với thương mại điện tử tương tự như mô hình của eBay. “Cách của eBay là chuyển sự tiết kiệm từ việc bán đi những món đồ không cần đến nữa lên mạng, tạo ra một thị trường cho hàng hóa và đồ sưu tập đã qua sử dụng”, Erisman lưu ý. “Nhưng cách của Taobao là chuyển sự tiết kiệm của các doanh nghiệp nhỏ lên mạng, nơi mà những nhà bán lẻ nhỏ có thể mở cửa hàng để bán sản phẩm mới”.
Đó là một công thức thành công tốt hơn so với công thức của Amazon. Tinh thần doanh nhân tập thể giúp Alibaba trở nên giàu có bằng cách biến hàng trăm hay thậm chí hàng triệu người thành doanh nhân, giúp họ thoát nghèo và cũng làm cho một số người trong đó trở thành giàu có.
Mô hình này hoạt động đặc biệt hiệu quả ở những quốc gia như Trung Quốc, nơi được xem là thị trường internet lớn nhất thế giới – với quy mô gấp đôi thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, mô hình của Alibaba không tính phí niêm yết và không có nhà kho để giữ hàng hóa, khiến cho nó rất có thể bị người khác nhái – dễ hơn nhiều so với mô hình của Amazon.
Điều đó đặc biệt đúng trong nền kinh tế internet của Trung Quốc, nơi mà tính cạnh tranh rất cao, với những đối thủ mới xuất hiện rất nhanh và làm “xói mòn” lợi nhuận biên hoạt động.
Trong khi đó, những quy định của chính phủ hiện tạo ra một môi trường thay đổi liên tục buộc các công ty tư nhân Trung Quốc phải thích nghi nhanh chóng. Từ chỗ “đồng minh” với các chính sách rất ưu tiên, chính phủ có thể bất ngờ đảo ngược chính sách và khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó.
Đó là lý do vì sao nhà đầu tư nên nhìn công thức thành công của công ty này với nhiều sự hoài nghi.