Việc Chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá.
Vừa qua NHNN vừa được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đây là xu thế không tránh khỏi và là sự phát triển, tiến tới thể chế hóa và luật hóa các quan hệ giữa Chính phủ và NHNN. Đồng thời tiến tới tăng tính độc lập của NHNN tại Việt Nam.
Trên thế giới, hầu hết các ngân hàng trung ương (NHTW) độc lập với chính phủ. Sự độc lập này là điều cần thiết để NHTW có thể theo đuổi chính sách có tác động tích cực lên tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn. Nếu không được độc lập với chính phủ, NHTW có thể nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức theo yêu cầu của chính phủ (để kích thích tăng trưởng kinh tế), dễ dẫn tới biến động kinh tế và gây ra lạm phát.
Trên thế giới, việc chính phủ vay NHTW không hiếm, nhưng thường chỉ giới hạn ở vay tạm ứng (rất ngắn hạn) hoặc vay cho nhu cầu ổn định nguồn thu khi thu thuế không ổn định (vay khi thu thuế ít và sẽ trả lại khi khoản thu từ thuế tăng). Các khoản vay thường được dứt điểm trong một năm tài chính. Hạn chế NHTW cho chính phủ vay được coi là rất quan trọng để xây dựng mức tín nhiệm của NHTW, một thành phần quan trọng để đạt được chính sách tiền tệ hiệu quả.
Theo một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong tổng số 152 nước trên thế giới được nghiên cứu, hai phần ba hoặc cấm ngân hàng trung ương cho chính phủ vay hoặc hạn chế ở vay ngắn hạn. Các nước phát triển và một số lượng lớn của các nước có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt đều rất hạn chế việc NHTW cho chính phủ vay. Khi các khoản vay ngắn hạn được cho phép, trong hầu hết các trường hợp lãi suất thị trường được áp dụng, số tiền cho vay chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của tổng thu ngân sách.
Tại các nước đang phát triển, việc NHTW cho chính phủ vay thường phổ biến hơn. Hơn một nửa số nước này cho chính phủ vay dưới hình thức ứng trước, chỉ một phần tư (24%) cho phép vay dài hạn hơn.
Tại các nước không cấm, thường quy định trong luật rất rõ ràng về các điều kiện NHTW cho chính phủ vay. Sáu khía cạnh cụ thể cần được luật hóa gồm: khối lượng tạm ứng trước tối đa; khối lương cho vay dài hạn tối đa; ai quyết định các điều kiện vay (ngân hàng hay chính phủ); đối tượng hưởng lợi; thời hạn vay; và lãi suất.
Việc Chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá.
Cụ thể, trong 40 nước luật hóa cho phép NHTW cho chính phủ vay (chứ không chỉ tạm ứng), đa số các khoản cho vay chỉ được kéo dài tối đa 6 tháng, một vài nước cho tối đa 1 năm. Đối tượng hưởng lợi là chính phủ trung ương chứ không phải chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước. Một số nước cho phép NHTW cho chính quyền địa phương vay như Canada, hay Ấn độ, do đặc điểm đất nước gồm nhiều bang.
Đa số các khoản vay đều bị tính lãi suất để buộc chính phủ có trách nhiệm với khoản vay. Lãi suất thường do NHTW áp đặt theo thông lệ thị trường. Một số nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia, lãi suất là do chính phủ và NHTW đàm phán. Ở đây, chúng ta cần làm rõ rằng tại các nước trên thế giới, NHTW thường có vị thế độc lập so với chính phủ, nên việc NHTW cho chính phủ vay này như là một giao dịch giữa hai thực thể tương đương nhau.
Việc để chính phủ quyết định mức lãi suất cho các khoản vay từ NHTW sẽ làm giảm quyền tự chủ và sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương, và khuyến khích chính phủ vay thêm ngân hàng trung ương chứ không huy động từ các kênh truyền thống khác. Nếu lãi suất quá thấp sẽ càng khuyến khích chính phủ sử dụng NHTW như một kênh huy động tài chính và điều này là không tốt.
Ở hầu hết các nước, tạm ứng và vay không được vượt quá 10 % của thu ngân sách của năm tài chính trước đó hoặc trung bình của ba năm tài chính mới nhất. Nếu cho vay quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới năng lực của NHTW, đồng thời tăng nguy cơ không trả nợ của chính phủ cho NHTW. Nhiều nước quy định rõ chế tài nếu chính phủ không thanh toán nợ cho NHTW đúng hạn, như phong tỏa tài khoản hay không cho vay các năm sau.
Tại Việt Nam, nếu NHNN cho Chính phủ vay với khoản thời gian dài (vài năm) có thể không đúng với đa số thông lệ quốc tế. Cho vay dài với mục đích khác với mục đích ổn định ngắn hạn, ở đây là mục đích phát triển có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu: giảm tính độc lập của NHNN, giám mức tín nhiệm của NHNN, có thể gây lãng phí nếu chính phủ không có ràng buộc dẫn tới chi tiêu không cận thận. Đồng thời việc tăng cung tiền trên thị trường có thể gây ra lạm phát.
Việc chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá. Đồng thời giảm dự trữ ngoại tệ sẽ ảnh hưởng về nhiều mặt, nhất là an ninh tài chính tiền tệ. Vì vậy, ngoài việc luật hóa quá trình vay, chính phủ cần cân nhắc rất kỹ việc vay từ NHNN, đặc biệt lại là lấy từ dự trữ ngoại tệ.
Theo Trần Thăng Long