Hai cá nhân kín tiếng đang sở hữu 55% cổ phần Vinpearl Air là ai?

Hai nhân vật này nằm trong nhóm những người sáng lập Technocom cùng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

TIN MỚI

Mới đây, theo thông tin từ Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội, CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh mới và đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air.

Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là CTCP Phát triển du lịch VinAsia (góp 45% vốn), ông Hoàng Quốc Thủy (30%) và ông Phạm Khắc Phương (25%). Đáng chú ý, hai cổ đông cá nhân của Vinpearl Air đều khá kín tiếng và chưa từng xuất hiện trên truyền thông.

Ông Hoàng Quốc Thủy là một trong những người sáng lập Technocom cùng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Sau khi gia nhập Technocom, vị này từng đảm nhận chức vụ giám đốc nhà máy mì Mivina. Ông Hoàng Quốc Thủy từng là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quang Thái, công ty này từng là cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup.

Ông Phạm Khắc Phương sinh năm 1967 và là người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl. Ông Phương vốn là sinh viên xuất sắc của đại học Mỏ địa chất Hà Nội và năm 1986 được tuyển sang học tại trường đại học Địa chất Moscow. Từ năm 1994, ông Phương tham gia tập đoàn thực phẩm Technocom Ucraina. Đây là tiền thân của Vingroup sau này.

Năm 2001, sau khi ông Phạm Nhật Vượng cùng các thành viên sáng lập quyết định về nước lập nghiệp, ông Phương đảm nhận vị trí Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hòn Tre. Đây được xem là dự án đầu tiên Vingroup với mục tiêu xây dựng làng du lịch sinh thái tiêu chuẩn 5 sao tại vùng đảo ở Nha Trang.

Một bài báo từ khá lâu tiết lộ Hòn Tre thời điểm này đã lọt vào tầm ngắm của một vài doanh nghiệp nghỉ dưỡng nước ngoài. Vingroup là đơn vị Việt Nam duy nhất cạnh tranh với các doanh nghiệp này và vốn đầu tư dự án trình bày trước lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lên tới 500 tỷ đồng.

Hai cá nhân kín tiếng đang sở hữu 55% cổ phần Vinpearl Air là ai? - Ảnh 1.

Vinpearl Nha Trang.

“Bọn tôi tính rồi, trước mắt Vinpearl Resort & Spa sẽ nhằm vào đối tượng khách có khả năng chi trả cao, chủ yếu là khách quốc tế và chúng tôi đã nắm được nguồn từ châu Âu, Bắc Mỹ, ASEAN… Chúng tôi thuê tập đoàn Furama Hotel quản lý và kinh doanh, họ đã bắt đầu vào cuộc. Các chuyên gia hàng đầu về Du lịch quốc tế này sẽ tư vấn thêm nhiều dịch vụ đặc biệt đáp ứng du khách, nhất là trò chơi trên biển.

Sân bay Cam Ranh sẽ được đưa vào sử dụng cho mục đích dân sự, khách quốc tế sẽ có cơ hội thuận lợi đến với Nha Trang. Họ đến Nha Trang thì chắc chắn đến với Vinpearl của chúng tôi. Sau này, chính sách giá hợp lý sẽ được áp dụng cho phần đông đối tượng trong nước…”, ông Phương từng tiết lộ về chiến lược của Vinpearl ngay từ những năm 2002-2003.

Sau 17 năm, hiện Vinpearl đã có 43 cơ sở khách sạn và khu du lịch nghỉ dưỡng, công suất trên 13.000 phòng, trải dài trên 17 địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Ngoài đóng vai trò chủ chốt tại Vinpearl, ông Phương từng có thời gian giữ vị trí trưởng ban kiểm soát CTCP Vincom.

Cuối năm 2016, ông Phương và 3 cá nhân khác chuyển nhượng 224 triệu cổ phiếu VIC cho CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam. Từ sau thượng vụ tới nay, tập đoàn Đầu tư Việt Nam trở thành cổ đông lớn nhất của Vingroup.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin