Công ty Cái Lân chiếm thị phần lớn nhất với các sản phẩm nổi tiếng như Neptune, Meizan, Simply. Sở hữu các thương hiệu hàng đầu, năm 2015, Dầu thực vật Cái Lân đạt doanh thu gần 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 887 tỷ đồng.
Cuộc sống của con người ngày càng thay đổi theo chiều hướng tốt lên, từ di chuyển bằng xe đạp dần chuyển sang xe máy rồi ô tô, từ tivi màn hình lồi đen trắng chuyển dần màn hình phẳng rồi cong, máy tính và điện thoại cồng kềnh trở nên nhỏ gọn…
Không nằm ngoài sự phát triển đó, bữa cơm của người Việt cũng đang dần thay đổi. Ở giai đoạn bao cấp, đồ ăn được nấu nướng bằng mỡ lợn, và coi mỡ lợn là loại hàng hóa tương đối xa xỉ, thì giờ đây, gần như các gia đình đều sử dụng dầu thực vật. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lo ngại về bệnh béo phí, các bệnh liên quan đến tim mạch do cholesterol gây ra.
Khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, có khoảng 90% gia đình hiện nay sử dụng dầu thực vật khi chế biến, chủ yếu là các sản phẩm nổi tiếng, như Neptune, Tường An, Simply, Meizan.
Ít ai biết rằng, ngoài Tường An, các thương hiệu còn lại đều do một công ty chuyên sản xuất dầu ăn làm ra, là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Đây là công ty do Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật (Vocarimex) và Tập đoàn Wilmar International sáng lập. Wilmar là một tập đoàn buôn bán dầu cọ, là tập đoàn hàng đầu châu Á về kinh doanh nông sản.
Sở hữu các thương hiệu hàng đầu, năm 2015, Dầu thực vật Cái Lân đạt doanh thu gần 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 887 tỷ đồng.
So với năm trước, lợi nhuận năm 2015 tăng trưởng gần 40%, còn nếu tính từ năm 2012, lợi nhuận lớn gấp 3,5 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 60%/năm.
Đặt bên cạnh một số doanh nghiệp cùng ngành, lợi nhuận Cái Lân năm 2015 lớn gấp gần 13 lần dầu thực vật Tường An, gấp 44 lần dầu ăn Golden Hope – Nhà Bè và gấp … 119 lần dầu thực vật Tân Bình.
Kết quả lợi nhuận này đến từ thị phần quá lớn của Cái Lân. Dù ra đời sau Tường An tới 20 năm, nhưng Cái Lân với các thương hiệu kể trên chiếm thị phần lên tới 40%. Trong đó, Neptune là sản phẩm có độ nhận biết thương hiệu cao nhất thị trường, với điểm nhấn nằm ở các chiến dịch quảng cáo đình đám, đặc biệt là vào các dịp Tết.
Gần như đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, quảng cáo của Neptune là một trong số các quảng cáo được chú ý nhất, bên cạnh các ông lớn khác như Omo hay Cocacola. Quảng cáo của Neptune khiến người tiêu dùng ghi nhớ bởi nhiều câu nói ấn tượng, đi vào lòng người, kèm theo nội dung nhã nhặn, phù hợp với thị hiếu người Việt.
Quảng cáo của Neptune thành công nhờ nhiều câu nói ấn tượng: “Mình còn mừng tuổi ông bà bao nhiêu lần nữa vậy ba”; “Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó”; “Về nhà đón Tết, gia đình trên hết”
Ngoài các chiến dịch cho Neptune, Cái Lân cũng quảng bá rất mạnh tay cho các sản phẩm khác của mình như Meizan, Simply, hay dầu Cái Lân với mục đích không gì khác ngoài thị phần. Theo báo cáo tài chính, năm 2015 Cái Lân chi tới gần 1.000 tỷ đồng cho các loại chi phí bán hàng và quản lý, tăng 18% so với năm 2014.
Ngoài ra, nói về thị trường dầu ăn không thể không nhắc tới một cái tên nữa là Vocarimex. Doanh nghiệp này hiện sở hữu cổ phần của tất cả các doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường, bao gồm cả Cái Lân, Tường An, Tân Bình, Golden Hope… Trong đó, Vocarimex sở hữu cổ phần chi phối tại Tường An và Tân Bình, còn sở hữu tại Cái Lân là 32% và Golden Hope Nhà Bè là 49%.
Tuy nhiên, Vocarimex hơi khác Cái Lân một chút, đó là công ty này không trực tiếp sản xuất ra dầu ăn đến tay người tiêu dùng. Thay vào đó, Vocarimex kinh doanh dầu xá (nguyên liệu để chế biến ra các thành phẩm dầu tình luyện) và bán cho các công ty con. Với cổ phần tại tất cả các DN dầu ăn Việt Nam, 95% doanh thu và lợi nhuận của Vocarimex đến từ việc bán loại dầu nguyên liệu này.
2 năm gần đây, lợi nhuận và doanh thu của Vocarimex cùng tăng mạnh, trong đó lợi nhuận năm 2014 là 525 tỷ đồng và năm 2015 là 312 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do doanh thu và lợi nhuận gộp tăng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị trường hiện có tổng cộng gần 40 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dầu ăn, trong đó 70% là dầu cọ, 23% dầu nành và 7% các loại dầu thực vật.
Chính vì thế mà ngày càng có nhiều các doanh nghiệp ngoại gia nhập thị trường với các sản phẩm mới hay doanh nghiệp nội lấn sân sang lĩnh vực dầu ăn, như Công ty Kido bán toàn bộ mảng bánh kẹo để chuyển hướng sang dầu ăn. Sau khi sở hữu cổ phần của Vocarimex, Kido cũng cử Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng dầu thực vật lên làm Tổng giám đốc Vocarimex.
Mặc dù vậy, sản xuất dầu ăn không hẳn là một ngành tiềm năng. Khi Kinh Đô nhảy vào thị trường này, nhiều dự báo cho thấy DN này sẽ gặp khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, nguyên nhân đến từ việc ngành này có biên lợi nhuận khá thấp, với điểm yếu phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu và đang bị các sản phẩm nước ngoài lấn át mạnh mẽ. Cuộc chiến của các DN trong ngành dầu ăn sắp tới đây, chắc chắn sẽ rất khốc liệt.