Trầm cảm đến nay đã được chứng minh là một dạng bệnh lý về tinh thần mà đôi khi còn khó chạy chữa hơn một tổn thương về thể chất. Những hiểu nhầm nào khiến trầm cảm trở nên nguy hiểm hơn?
1. Trầm cảm có nghĩa là lúc nào cũng buồn bã
Đây là một trong những hiểu nhầm lớn nhất khiến việc tầm soát trầm cảm gặp nhiều khó khăn và thiếu sót. Trầm cảm là một trạng thái sâu hơn cả nỗi buồn, thậm chí là hoàn toàn khác. Buồn bã chỉ là một loại cảm xúc, nó thường đến một cách nhanh chóng và qua đi cũng rất nhanh. Ví dụ khi tim của bạn bất chợt đau nhói khi mất đi điều gì đó, nhưng suy cho cùng thì đó vẫn là một cảm xúc lành mạnh.
Các triệu chứng trầm cảm thậm chí còn chẳng mấy liên quan đến cảm xúc. Nó thường là sự kết hợp của những khó chịu về cả cảm xúc và thể chất. Trầm cảm biểu hiện rất nhiều sự khó chịu về thể chất, bao gồm sự đau nhức, ngủ quá nhiều hoặc quá ít và thái độ cực kỳ thờ ơ!
Trầm cảm là khoảng trống của mọi cảm xúc. Bạn sẽ cảm thấy tê liệt, bất cần, trống rỗng, thờ ơ và lúc nào cũng như bản thân mình là một người ngoài cuộc. Bạn đi dọc một hành lang quen thuộc, nhìn ngắm những người bạn trò chuyện, vui đùa và bất chợt bạn nghĩ rằng mình không hề thuộc về cùng một nơi với họ. Một bức tường vô hình ngăn cản bạn, tách bạn ra khỏi những người khác ở trên trái đất này.
Trầm cảm là mất đi khả năng cảm nhận hạnh phúc hoặc khả năng đánh giá trong cuộc sống. Tất cả mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa, chúng không còn nhiều màu sắc hoặc thú vị nữa. Đôi khi, bạn cảm thấy chỉ muốn trả lời mọi câu hỏi chỉ bằng một cái nhún vai: “Vậy thì sao?”
2. Người bị trầm cảm thì luôn luôn khóc
Đúng, nhưng không hoàn toàn. Một số người khóc quá nhiều, một số đơn giản là không thể khóc được. Nó vậy đấy.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nếu bạn vẫn có thể khóc, bạn vẫn còn chút ít hi vọng. Không giống như mô tả trên những chương trình TV, ai đó đi đến quyết định tự tử thì họ thật sự hiếm khi khoa trương cái chết. Nếu một người muốn tự tử vẫn có khả năng khóc hoặc kể lể về cái chết, điều đó có nghĩa là họ không muốn chết, nhưng sự thực là họ cũng không thể tìm thấy lý do nào để sống tiếp.
Khi tôi quyết tâm tìm đến cái chết, tôi cảm thấy cái chết thật giản dị, và tôi trở nên bình tĩnh hơn bao giờ hết, khi đó tôi nghĩ rằng tôi đã đưa ra quyết định tốt nhất rồi.
3. Trầm cảm chỉ là một cách để tìm kiếm sự chú ý
Sai. Cảm giác phổ biến của trầm cảm chính là sự mất kiểm soát, điều hoàn toàn khác với trạng thái mà người ta có thể lựa chọn và giả vờ được
Giả vờ rằng bị trầm cảm là một cách rất không hiệu quả để tìm kiếm sự chú ý. Nếu bạn thực sự cảm thấy ai đó đang tìm kiếm sự chú ý, có lẽ não bộ và dây thần kinh của họ đã hoàn toàn mất kiểm soát, và họ đang bám lấy bạn để tìm lý do để sống. Nói cách khác, bạn có thể là cơ hội cuối cùng cho họ bám lấy.
Ngay cả là khi họ đang giả vờ trầm cảm để tìm kiếm sự chú ý, phải có một lý do tại sao họ muốn sự chú ý và tại sao họ lại chọn tìm kiếm sự chú ý theo cách này. Đừng vội phán xét mà hãy tìm hiểu đến tận cùng nguyên nhân để giúp đỡ người thân của bạn.
4. Trầm cảm là do yếu đuối
Sai. Thực tế thì trầm cảm không phải là dấu hiệu bản thân yếu đuối hay gì cả. Có ai có thể tưởng tượng được chúng tôi cần bao nhiêu sức lực để gượng dậy và làm những nhiệm vụ tưởng chừng như vô cùng đơn giản mỗi sáng trong khi đang bị trầm cảm không?
Chúng tôi cũng phải đương đầu với những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày như bao người khác. Nhưng trên hết, chúng tôi phải chiến đấu với chính bản thân mình mỗi ngày; chiến đấu với cảm giác mệt mỏi khi ở chốn đông người, chúng tôi thật sự rất lẻ loi khi xung quanh ai cũng hạnh phúc; và thật xấu hổ khi phải chịu đựng vì mọi người không hề thấu hiểu.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nó sẽ không dừng lại với tôi chỉ vì tôi đang bị trầm cảm. Nếu như tôi không ép bản thân mình cố gắng, mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
5. Trầm cảm là lỗi của người bị trầm cảm
Sai. Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai, cho dù có hay không có những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của bạn. Nguyên nhân gây ra trầm cảm là do sự mất cân bằng hóa học trong não bộ, chức năng và cấu trúc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố môi trường và sinh lý.
Bạn sống một cuộc sống lành mạnh không có nghĩa là ung thư sẽ không tìm đến bạn. Cũng như vậy, bạn sống một cuộc sống đàng hoàng không có nghĩa là tâm hồn của bạn sẽ không gặp những tổn thương. Và hãy luôn nhớ rằng – trầm cảm hoàn toàn không phải do bản thân bạn!
6. Bạn có thể đoán được ai bị trầm cảm
Sai. Ngay bây giờ, khi tôi đang ngồi trong hội trường của một trường đại học, có những sinh viên vô cùng sáng sủa, xinh đẹp, trông họ rất vui vẻ và hoạt bát, đi lại khắp tòa nhà, nhưng theo Trưởng khoa, hơn 1/3 trong số họ đã phải vật lộn với căn bệnh tâm thần, và điều đó có nghĩa là tôi không hề cô đơn. Ông ấy biết điều đó bởi vì những sinh viên kia đã tìm đến ông và tâm sự như tôi vậy.
Hơn 1/3 trong hội sinh viên – 1 con số đáng sợ. Tôi biết ít nhất một nửa số sinh viên đó và tôi không thể tưởng tượng được ai là người có bệnh. Khu của tôi có 80 sinh viên, và theo nghĩa đen thì mọi người trông hoàn toàn ổn khi họ xuất hiện trong khuôn viên trường.
Chính vì thế, hãy cảnh giác với trầm cảm. Hãy cố gắng phát hiện ra nó trước khi trong đầu bạn và những người bạn yêu thương xuất hiện ý nghĩ về cái chết!