VEPR: Tỷ giá nếu điều chỉnh sẽ thực hiện vào quý IV/2015

Theo VEPR, tỷ giá có thể tiến tới biên độ cho phép 2% và nếu có điều chỉnh sẽ được thực hiện vào quý IV/2015. Tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ đạt 15% trong năm nay.

Nội dung nổi bật

– VEPR cho rằng, NHNN giữ lãi suất trong quý 1 cho thấy chưa có sức ép buộc phải điều chỉnh các lãi suất quan trọng

– Nợ xấu có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn trên mức an toàn

– Tỷ giá sẽ tăng hết dư địa 2% và nếu điều chỉnh sẽ thực hiện trong quý IV

 – Chính phủ có thể phải giảm chi đầu tư để kiềm chế thâm hụt ngân sách như năm 2014 hoặc tăng xuất khẩu hàng thô sơ và chấp nhận thiệt thòi về giá, hoặc chấp nhận thâm hụt và tăng vay mượn

Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố bản báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2015.

Phần nhận định về thị trường vốn và tiền tệ, bản báo cáo này có nêu: NHNN giữ lãi suất điều hành không đổi trong quý I cho thấy chưa có sức ép buộc phải điều chỉnh các lãi suất quan trọng.

Khu vực tư nhân đang phải cạnh tranh về tín dụng với khu vực công

Theo báo cáo, tính đến ngày 20/3 gần 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) bảo lãnh được phát hành.

Cuối năm 2014, Fitch đã nâng hạng tín nhiệm trái phiếu nội tệ một bậc lên BB- với triển vọng ổn định. Phí bảo hiểm CDS cho TPCP kỳ hạn 5 năm giảm xuống dưới 2%, cho thấy sự cải thiện đánh giá của giới tài chính quốc tế với rủi ro trái phiếu của Việt Nam so với 1 năm trước khi con số này vào khoảng 2,4%.

VEPR cho rằng, khu vực tư nhân đang phải cạnh tranh về tín dụng đối với khu vực công. Mặt bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm là 5,3%/năm; kỳ hạn 10 năm là 6,4%/năm và kỳ hạn 15 năm là 7,2%/năm, với xu hướng giảm đang chậm lại.

Như vậy, lãi suất dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân – có rủi ro cao hơn – sẽ phải cao hơn mức này và lãi suất vẫn là một ràng buộc với khu vực tư nhân khi dư địa giảm thêm lãi suất tín dụng không còn nhiều và hệ thống ngân hàng vẫn đang xử lý nợ xấu cũng như tái cấu trúc.

“Nợ xấu có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vẫn trên mức an toàn. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng được tăng cường và giám sát tương đối chặt, song vế thứ hai là tái cơ cấu doanh nghiệp không có nhiều đột phá trong quản trị và phối hợp giữa ngân hàng, người mắc nợ và VAMC” – VEPR nhận xét.

Tỷ giá sẽ tăng hết dư địa 2% mà NHNN vạch ra từ đầu năm

Bản báo cáo chỉ ra rằng, giá dầu thấp và phục hồi chậm sẽ tăng thậm hụt ngân sách lớn so với kế hoạch.

“Với các yếu tố khác không đổi, mức giảm thu ngân sách sẽ dao động từ 45 nghìn tỷ với giá dầu thô 60 USD/thùng và 64 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu trung bình về mức 40 USD/thùng. Do ảnh hưởng kích thích là khiêm tốn so với tổn thất trong ngắn hạn, thâm hụt ngân sách có thể tăng lên 6 – 6,5% GDP” – VEPR tính toán.

Tình thế này có thể buộc Chính phủ phải giảm chi đầu tư để kiềm chế thâm hụt ngân sách như năm 2014 hoặc tăng xuất khẩu hàng thô sơ và chấp nhận thiệt thòi về giá (như dầu thô hay quặng kim loại) hoặc chấp nhận thâm hụt và tăng vay mượn, tuy nhiên điều này sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường vốn.

Cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt nhưng cán cân tổng thể vẫn thặng dư nhờ sự bù đắp vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối. Mức thặng dư sẽ khiêm tốn hơn, vào khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1/3 thăng dư năm 2014. Do đó, tỷ giá chưa lên gặp thêm sức ép bên ngoài xu hướng tăng giá của USD.

“Tỷ giá có thể tiến tới biên độ cho phép 2% và nếu có điều chỉnh sẽ được thực hiện vào quý IV/2015. Tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ đạt 15% trong năm nay.” – VEPR nhận định.

Khánh Nhi

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin