Không chỉ Việt Nam, nhiều sàn chứng khoán lớn trên thế giới cũng nhiều lần gặp sự cố.
Hôm nay sẽ là ngày thứ hai sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngưng giao dịch do sự cố về phần mềm. Theo VTV đưa tin, hiện sự cố đã được xử lý song để đảm bảo an toàn và chính xác cho hệ thống giao dịch, Sở GDCK TP.HCM sẽ tiếp tục tạm ngừng giao dịch để kiểm thử với các công ty chứng khoán thành viên toàn thị trường trước khi chính thức mở cửa thị trường trở lại.
Công nghệ dù hiện đại đến đâu vẫn có thể gặp sự cố (ít nhất là cho đến nay). Các quốc gia với sàn chứng khoán với trang thiết bị tiên tiến vẫn nhiều lần phải đóng cửa vì nhiều lý do. Cùng điểm lại một số lần ‘sập’ sàn nổi tiếng trên thế giới.
Mỹ
Donald Civitanova lo lắng theo dõi màn hình ở NYSE ngày 6/5/2010 (Nguồn: Getty Images).
6/5/2010: Trục trặc máy tính gây ra sự cố “Flash Crash”, khi một loạt cổ phiếu trên sàn của Sở giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) giảm xuống còn 1 USD hoặc thấp hơn và chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh hơn 700 điểm chỉ trong vài phút. Thuật toán của hệ thống không xác định được giá bán hoặc khung thời gian, dẫn đến việc quá nhiều giao dịch được đưa vào thị trường nên không có đủ thanh khoản để xử lý.
18/5/2012: Màn ra mắt thị trường rất được chờ đợi của cổ phiếu Facebook trên Nasdaq bị chậm trễ nhiều giờ vì các vấn đề kỹ thuật. Đây là đợt IPO lớn nhất trong lịch sử sàn chứng khoán này và mạng xã hội nổi tiếng huy động được 16 tỷ USD. Tuy nhiên, một “lỗ hổng thiết kế” trong phần mềm đã bị bỏ qua trong quá trình thử nghiệm và hệ thống không báo giao dịch đã được ghi nhận hay chưa. Hơn 30.000 giao dịch bị kẹt trong hệ thống trong hơn 2h.
CEO Facebook Mark Zuckerberg (giữa) phát biểu trong lễ rung chuông từ xa nhân dịp công ty bắt đầu giao dịch trên Nasdaq MarketSite (Nguồn: Bloomberg).
22/8/2013: Sự cố với hệ thống dữ liệu giá khiến giao dịch trên Nasdaq, sàn chứng khoán lớn thứ 2 của Mỹ với hơn 3.000 cổ phiếu, phải đóng cửa trong hơn 3h.
9/7/2015: Sở giao dịch chứng khoán New York “sập” trong 4h (bắt đầu từ 11h30 sáng) do “các vấn đề liên lạc” còn sót lại giữa khách hàng và các đơn vị giao dịch sau khi cập nhật phần mềm.
Indonesia
Gần đây nhất, 10/7/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia (ISE), sàn chứng khoán lớn thứ 2 Đông Nam Á, phải ra lệnh dừng giao dịch lúc 9h34 sáng tại Jakarta vì một vấn đề trong hệ thống phân phối thông tin thị trường.
Trước đó, sàn này cũng không ít lần gặp sự cố do vấn đề kỹ thuật. Năm 2008, giao dịch bị trì hoãn vì mạng nội bộ có vấn đề. 2009, giao dịch phải tạm dừng trong 1h sau khi cáp dùng để gửi dữ liệu giao dịch hỏng. Tháng 8/2012, ISE trì hoãn giao dịch sau khi gần 1/3 thành viên không kết nối được với hệ thống.
Ấn Độ
Sàn Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ(NSE) đóng cửa trong 3h ngày 10/7/2017 vì vấn đề kỹ thuật khiến giá cổ phiếu không được cập nhật và giao dịch không thể thông qua. Trước đó, các sàn của nước này cũng nhiều lần phải đóng cửa vì các lỗi hệ thống.
NSE là sàn chứng khoán lớn nhất Ấn Độ (Nguồn: The Hindu).
1/11/2010: Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay (BSE) ngừng giao dịch trong 2h30ph vì vấn đề trong xác nhận giao dịch.
3/7/2014: Vấn đề kỹ thuật khiến nhiều công ty môi giới của BSE không thể kết nối với các máy chủ, khiến thị trường ngừng giao dịch trong hơn 3h.
Nhật Bản
1/2/2012: Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo phải đình chỉ giao dịch cổ phiếu của 241 công ty trong 4h30ph do một trong 8 máy chủ dữ liệu bị hỏng. Đây là sự cố là nghiêm trọng nhất kể từ 1999, khi sàn giao dịch bị dỡ bỏ và một hệ thống giao dịch điện tử được cài đặt.
Châu Âu
Tháng 6/2011, một vấn đề kỹ thuật khiến sàn NYSE Euronext bao gồm Paris, Amsterdam và Brussels phải ngừng giao dịch trong 2 ngày, trong khi đợt mất điện vào tháng 9/2008 khiến Sở Giao dịch Chứng khoán London phải đóng cửa trong hơn 7h.