Bề ngoài là yêu thương con, nhưng thực chất cha mẹ đang từng bước dẫn con vào chiếc bẫy do chính mình đào sẵn.
Dư Thụy Cầm, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sư phạm Sơn Đông (Trung Quốc), từng chia sẻ câu chuyện: Bé gái nọ 7 tuổi cứ bắt bố sống trên cây như khỉ, ép mẹ đi như người mẫu, rồi đá, quát mắng người bà của mình. Gia đình rất sốc và đau khổ trước hành vi của đứa trẻ nên đã đưa con đến gặp Giáo sư để được tư vấn.
Một lần, khi Giáo sư Dư chơi trò lái ô tô điện cùng đứa trẻ, cô đang lái theo đường thẳng, bỗng đứa trẻ chạy xe lao tới và hét lên: “Giết nó, giết nó”. Giáo sư không kịp né tránh, hai ô tô va chạm mạnh, cô vội hỏi xem đứa trẻ có bị thương không. Không ngờ cô bé đá mạnh vào Giáo sư, tức giận nói: “Để tôi đánh cô”.
Người mẹ chứng kiến tất cả những điều này, không những không chỉ trích sự lỗ mãng của con gái mà còn nói với Giáo sư: “Thật xin lỗi cô, nhưng con bé cũng chỉ là một đứa trẻ”. Sau đó, Giáo sư Dư nhận ra rằng chính sự nuông chiều của gia đình đã tạo nên tính cách ích kỷ của cô bé.
Thực ra, bảo vệ trẻ một cách mù quáng không phải là tình yêu mà là sự tai hại nhất đối với trẻ. Nhà tâm lý học người Mỹ Wallace cho biết: “Nuông chiều con thực chất là một kiểu cạm bẫy. Bề ngoài là yêu thương con, nhưng thực chất là cha mẹ từng bước dẫn con vào chiếc bẫy do chính mình đào sẵn. Đứa con lớn lên hư hỏng, bởi vì nó bị tước đi cơ hội để phạm sai lầm và sửa chữa, quyền và cơ hội để trưởng thành”.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, chúng ta cần tỉnh táo, tình yêu phải có ranh giới, con cái mới có tương lai. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ càng thương con thì càng phải biết buông bỏ, để con có cơ hội đối mặt với thử thách, khó khăn. Khi một đứa trẻ có khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề, trẻ sẽ có đủ dũng khí để đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống.
Tình yêu đích thực cũng có thước đo, sự cho đi phải có giới hạn
Có một lý thuyết trong tâm lý học được gọi là “hiệu ứng muối ăn”, bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn.
Một người nông dân cho một con lừa ăn, con lừa hàng ngày ăn cỏ xanh, đồ ăn nhạt nhẽo và nó muốn ăn thứ gì đó đậm đà hơn. Thế là người chủ bỏ một ít muối vào cỏ và con lừa nghĩ rằng đó là một bữa ăn ngon. Biết rằng món ngon là do được bổ sung muối, con lừa yêu cầu chỉ ăn muối mà không ăn các loại thực vật khác. Kết quả là ngày hôm sau, người chủ mang đến cho nó một chậu muối, con lừa cắn một miếng liền choáng váng, cau mày lại đi tìm cỏ.
“Hiệu ứng muối ăn” cho chúng ta một nhận thức: Dù tốt đến đâu cũng phải đúng lúc và vừa phải, nếu quá đà sẽ hư hỏng.
Giáo dục gia đình cũng vậy, cha mẹ luôn cảm thấy mình cho đi chưa đủ, họ đâu biết rằng quá nhiều gia vị sẽ khiến hương vị các món ăn thay đổi, gây khó ăn.
Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Bruner từng đưa ra “lý thuyết giàn giáo”. Điều đó có nghĩa là trẻ em có thể sử dụng sự hỗ trợ của cha mẹ để hoàn thành những nhiệm vụ mà chúng không thể làm một mình. Một khi trẻ có thể tự mình hoàn thành một nhiệm vụ nhất định thì sự hỗ trợ này giống như giàn giáo sau khi tòa nhà hoàn thành và sẽ dần bị thu hồi. “Cha mẹ giàn giáo” là hỗ trợ phù hợp khi trẻ cần giúp đỡ để trẻ trưởng thành độc lập tốt hơn.
Hãy lưu ý những điều sau:
1. Việc gì trẻ có thể tự làm, đừng bao giờ làm thay
Ở mỗi giai đoạn trưởng thành của trẻ, cha mẹ phải học cách buông bỏ đúng lúc, để trẻ có thể nắm vững những kỹ năng sống cơ bản.
Ví dụ: Trẻ 2-5 tuổi: Dùng giẻ lau bàn ghế, thu dọn đồ chơi, gấp quần áo, rửa bát, rửa rau.
Trẻ 5-6 tuổi có thể: Lau sàn, phơi quần áo, đổ rác, dọn giường, tưới cây tại nhà.
Trẻ 6-8 tuổi: Nấu những bữa ăn đơn giản, thay ga trải giường, lau bụi trên bàn ghế, chuẩn bị đồ dùng buổi sáng đi học.
Trẻ từ 8-11 tuổi: Dọn dẹp tủ lạnh, dọn dẹp nhà vệ sinh, phân loại rác, sắp xếp tủ quần áo và bảo quản các đồ dùng gia đình hàng ngày.
Trẻ từ 11-14 tuổi: Giặt quần áo bằng tay, nấu bữa ăn phong phú, thay bóng đèn, vòi nước, chăm sóc em nhỏ.
Trẻ em từ 14-18 tuổi: Dọn dẹp, vệ sinh gia đình, thay thế, bảo trì các thiết bị sinh hoạt và một mình chăm sóc trẻ nhỏ.
Khi trẻ thường xuyên thực hành những công việc nhà này, trẻ có thể học được kỹ năng phát triển độc lập, đồng thời trẻ cũng có thể hiểu được sự vất vả của cha mẹ.
2. Trẻ làm sai thì phải gánh chịu hậu quả
Nhà thơ người Anh Bunyan từng nói: “Nếu bạn muốn con cái mình luôn giữ đôi chân trên mặt đất, hãy quy trách nhiệm cho chúng”. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên kỷ luật đúng cách để trẻ có đủ can đảm gánh chịu hậu quả. Trên đường đời, đứa trẻ nào cũng sẽ có lúc lạc lối, với sự hướng dẫn yêu thương hơn của cha mẹ, con sẽ trở lại đúng đường. Chỉ bằng cách chấp nhận lỗi lầm của trẻ, hướng dẫn trẻ nhiều hơn và bớt đổ lỗi, cha mẹ mới có thể giúp trẻ có tinh thần trách nhiệm cao hơn.