Có đến 30% -40% các trường hợp ung thư, đặc biệt là khối u đường tiêu hóa, liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống.
Ung thư là một căn bệnh phức tạp và được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, cấu tạo di truyền đóng một vai trò nhất định. Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài mà bạn có thể kiểm soát (ví dụ như thói quen sống của bạn) có tác động thậm chí còn lớn hơn. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy có đến 80-90% các khối u ác tính liên quan đến các yếu tố bên ngoài.
Một trong những thói quen sống cần quan tâm nhất đó là chế độ ăn uống. Thói quen ăn uống có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện và phát triển của bệnh ung thư. Có đến 30% -40% các trường hợp ung thư, đặc biệt là khối u đường tiêu hóa, liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều chất trong thực phẩm có liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư, bao gồm phụ gia thực phẩm, phương pháp nấu ăn, phương pháp bảo quản thực phẩm, chất ô nhiễm môi trường và dư lượng thuốc xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm.
Vậy, những thói quen ăn uống nào có thể gây ung thư?
Những kiểu ăn uống gây bệnh ung thư mà các gia đình thường phạm phải
1. Chế biến thực phẩm quá chín
Thực phẩm được nấu quá chín, đặc biệt là các loại thịt, có thể tạo ra chất gây ung thư. Theo một nghiên cứu thực hiện vào năm 2020, nấu thịt với nhiệt độ cao sẽ tạo ra PAHs và amin dị vòng (HCAs) gây ung thư. Những chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách thay đổi DNA của các tế bào.
Không chỉ với thịt, các món giàu tinh bột như khoai tây được nấu quá chín cũng rất nguy hiểm. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), việc nấu quá chín thực phẩm giàu tinh bột làm tăng sự hình thành acrylamide – đây là một chất gây ung thư.
Để giảm nguy cơ nhiễm chất gây ung thư do nấu ăn ở nhiệt độ cao, hãy thử áp dụng các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn như:
– Nướng hoặc rang ở nhiệt độ thấp hơn.
– Luộc hoặc hấp thực phẩm.
– Nấu chậm trong nồi sành hoặc nồi nấu chậm.
2. Mâm cơm chứa quá nhiều calo
Nạp quá nhiều calo dễ dẫn đến thừa cân, trong khi người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn gấp 2 lần người bình thường.
Tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu bạn ăn nhiều chất béo và đạm động vật cùng một lúc. Điều này liên quan đến quá trình chuyển đổi enzym của axit mật trong ruột thành chất gây ung thư, methylcholanthrene.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể của người trưởng thành cần được cung cấp từ 2.000 – 2.300 calo mỗi ngày. Chính vì vậy, với thói quen ăn 3 bữa mỗi ngày thì người Việt chỉ nên nạp khoảng 667 – 767 lượng calo/bữa. Bữa ăn nên cân bằng giữa rau xanh và thịt cá.
3. Ăn quá nhanh, quá nóng
Ăn quá nhanh và ăn đồ ăn quá nóng sẽ khiến khoang miệng bị tổn thương nhiều lần, dễ dẫn đến ung thư thực quản.
Việc ăn thức ăn, đồ uống nóng trong thời gian dài có thể gây bỏng khoang miệng và niêm mạc thực quản, những kích thích và tổn thương lặp đi lặp lại này sẽ khiến niêm mạc thực quản bị viêm mãn tính, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá no, không đều bữa cũng có thể gây kích thích niêm mạc thực quản, tổn thương cơ học niêm mạc dạ dày, rối loạn bài tiết dịch vị, làm tăng tỷ lệ mắc các khối u hệ tiêu hóa trên.
4. Vừa ăn vừa uống rượu
Thói quen của hầu hết đàn ông Việt Nam đó là vừa ăn vừa nhâm nhi vài chén rượu. Đây là một thói quen gây suy giảm tuổi thọ nghiêm trọng. Bởi nhiều nghiên cứu và khảo sát đã phát hiện ra rằng rượu không chỉ liên quan mật thiết đến ung thư gan mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa/đường hô hấp trên. Ví dụ như: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và các khối u ở hệ tiết niệu.
Rượu có chứa các chất chuyển hóa là acetaldehyde và các loại oxy phản ứng (ROS) có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư.
Những thói quen tốt nhất để có thể phòng chống ung thư
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) tiết lộ: Có khoảng 1/3 các loại ung thư phổ biến có thể được ngăn ngừa bằng cách điều chỉnh thói quen ăn uống, kiểm soát cân nặng và tăng cường tập thể dục. Một số khuyến nghị được đưa ra là:
1. Duy trì cân nặng hợp lý: Càng gầy càng tốt trong phạm vi cân nặng hợp lý (18,5≤BMI≤23,9).
2. Vận động nhiều hơn: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, không nên ngồi lâu.
3. Ăn ít thức ăn có hàm lượng calo cao và đồ uống có đường, đặc biệt là thức ăn chế biến sẵn có nhiều chất béo, đường và ít chất xơ.
4. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và các loại đậu.
5. Hạn chế ăn thịt đỏ và tránh thịt đã qua chế biến: Ăn không quá 1 pound (khoảng 458g) thịt đỏ mỗi tuần, và càng tiêu thụ ít thịt chế biến càng tốt.
6. Để ngăn ngừa ung thư, không uống rượu.
7. Ăn ít muối và tránh các loại ngũ cốc bị mốc: Ăn không quá 6g muối mỗi ngày.
8. Nếu có thể, hãy cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng.
9. Những người sống sót sau ung thư phải tuân theo các khuyến nghị phòng ngừa ung thư ở trên.