Chuyên gia quốc tế nói gì về triển vọng ngành logistics Việt Nam khi sản xuất vừa khởi sắc, đại dịch lại xuất hiện?

Theo The Loadstar, làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới tại Việt Nam đang đe dọa đáng kể đến hoạt động bùng nổ của chuỗi cung ứng đất nước. Đặc biệt mới đây, TP. HCM, trung tâm kinh tế phía nam đất nước đã phong tỏa kể từ 0h ngày 9/7.

TIN MỚI

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng ưu tiên cao nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tại TP. HCM, chống dịch hiệu quả, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu.

Một nhân viên thuộc doanh nghiệp khai thác vận tải chia sẻ với The Loadstar rằng trước đó, hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục. Song, một số công nhân phải chấp nhận làm việc ít giờ hơn do các nhà máy sắp xếp lại thời gian làm việc trong giai đoạn giãn cách xã hội.

“Ví dụ, nhiều công ty cũng cung cấp chỗ nghỉ cho công nhân ngay tại nhà máy, cũng như thực phẩm”. Tuy nhiên, theo ông Julien Brun thuộc công ty tư vẫn chuỗi cung ứng CEL (trụ sở tại TP. HCM), mặc dù biện pháp này có thể duy trì hoạt động sản xuất trong ngắn hạn, không phải mọi công nhân đều sẵn sàng ở lại nhà máy làm việc.

“Hoạt động logistics đã bị ảnh hưởng và sẽ có nhiều gián đoạn hơn nữa khi số ca nhiễm ngày càng tăng. Nếu một cụm trong cảng phải đóng cửa, toàn càng sẽ phải đóng cửa, dẫn đến mọi luồng xuất khẩu của bất kể ngành nào cũng đều bị ảnh hưởng theo”.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất hiện nay đối mặt với tình trạng diễn biến phức tạp của Covid-19. Ông Julien cho hay, Việt Nam sẽ không mất quá nhiều lợi thế về vị thế hay sức hấp dẫn với vai trò là điểm đến về nguồn cung ứng.

Đại diện CEL nhấn mạnh: “Cuộc chạy đua tiêm chủng vaccine và khả năng ngăn chặn các làn sóng dịch bệnh tiềm tàng là những yếu tố sẽ tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng cũng như quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong những năm tới”.

Theo Tom Tabouring, Trưởng bộ phận kinh doanh và tiếp thị của Tín Nghĩa Logistics, trong khi các nhà máy vẫn đang hoạt động, tình trạng thiếu kho bãi đang ở mức đáng báo động.

“Điều này chủ yếu do sự bất định trước tình hình giãn cách xã hội, từ đó có thể sẽ gây ra sự chậm trễ trong các chuyến hàng. Ngoài ra, điều này cũng có thể do giá cước vận tải biển cao và tình trạng khan hiếm container. Vì vậy, dù hoạt động sản xuất vẫn đang tiếp tục, nhưng hàng hóa thì không được vận chuyển hết. Tôi cho rằng các nhà máy sẽ dần phải giảm hoạt động sản xuất, hoặc có thể họ đã giảm ngay lúc này rồi”.

Trên thực tế, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng vận tải container nhanh đáng kể trong nửa đầu năm, ở mức 22% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 12,4 triệu teu. Đặc biệt, hàng container xuất khẩu ước đạt gần 4 triệu teu, tăng 17%.

Ông Benoit Klein, Giám đốc điều hành của Cảng Gemalink (Bà Rịa – Vũng Tàu), khẳng định, sản lượng của các cửa ngõ ra biển sâu đã tăng 30% trong năm nay. “Với tốc độ tăng trưởng bền vững như hiện nay, tình hình cảng ở miền nam Việt Nam đang tương đối căng thẳng”.

Ông lý giải, thời gian chờ đợi của các tàu ngày càng lâu, cùng với sự gián đoạn liên quan đến cảng Yantian của Trung Quốc, nơi thường có các tuyến cùng với tuyến từ Cái Mép đến Hoa Kỳ. “Thời gian vừa qua, số lượng tàu phụ tải từ tất cả các tuyến đến Cái Mép đã gia tăng đáng kể nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong phục hồi hoạt động sản xuất”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin