Quốc đảo này là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới. Không những thế, quốc gia này có tỷ lệ bình đẳng giới cao nhất trong nhiều năm liên tiếp, không có quân đội và được trời phú cho cảnh quan thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ nhưng lại có một mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với EU.
Nằm ở Bắc Đại Tây Dương, phía Đông của Greenland, Iceland là quốc gia cực tây của châu Âu, hòn đảo lớn thứ 2 ở Bắc Đại Tây Dương, và cách London, Paris và Copenhagen hơn 3 giờ bay.
Quốc đảo này có đường biển gồ ghề kéo dài hơn 4800 km, giáp với biển Greenland ở phía Bắc, biển Na Uy ở phía đông, Đại Tây Dương ở phía nam và tây, và eo biển Đan Mạch phía tây bắc. Iceland có diện tích hơn 103.000 km2 và dân số hơn 334 000 người (số liệu năm 2016).
Từ nghề đánh bắt cá, bùng nổ tín dụng, đến sự lên ngôi của ngành du lịch
Iceland đã trở thành một nước cộng hòa độc lập vào năm 1944 và từ đó trên con đường trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.
Tuy chỉ mới thành lập cách đây hơn 70 năm, nhưng quốc đảo này đã được phát hiện từ hơn 1000 năm trước và được định cư chủ yếu bởi những thủy thủ Nauy và các nhà thám hiểm. Có thể nói, nghề đi biển đã ngấm vào máu của người Iceland. Dù đã đa dạng sang các ngành công nghiệp và dịch vụ khác, nền kinh tế Iceland vẫn phụ thuộc rất lớn vào ngành đánh bắt cá và sản xuất các sản phẩm làm từ cá. Theo The World Factbook của CIA, trong năm 2016, ngành này chiếm 12% GDP, và sử dụng 5% lực lượng lao động.
Vào đầu thế kỷ 21, Iceland đã trở thành hình mẫu cho sự bùng nổ tín dụng toàn cầu. Các ngân hàng ở quốc gia này mở rộng đáng kể ra ngước ngoài, và một lượng lớn ngoại tệ đổ vào Iceland, thúc đẩy tăng trưởng một cách khác thường. Trước khi khủng hoảng tín dụng toàn cầu diễn ra, các ngân hàng của Iceland có khối lượng tài sản nước ngoài trị giá khoảng 10 lần GDP của quốc gia này với những khoản nợ tương ứng, và các doanh nghiệp Iceland cũng đầu tư lớn ra nước ngoài.
Sự phụ thuộc lớn vào ngành ngân hàng đã khiến nền kinh tế Iceland gần như sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cần đến sự can thiệp của chính phủ vào hệ thống ngân hàng và hỗ trợ tài chính khẩn cấp của IMF, thì nền kinh tế của Iceland dần hội phục và tiếp tục phát triển.
Kể từ năm 2010, ngành du lịch trở thành trụ cột chính cho sự tăng trưởng kinh tế ở Iceland, góp phần giúp quốc gia này khôi phục lại nền kinh tế mong manh sau khủng hoảng tài chính 2008. Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ này tăng trung bình 30%/năm. Đặc biệt, trong năm 2016, số lượng khách du lịch đã tăng 40%, đạt gần 1,8 triệu người. Với những con số ấn tượng này, ngành du lịch đã vượt qua ngành đánh bắt cá, trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất ở Iceland.
Blue Lagoon
Một trong những địa danh du lịch được ghé thăm nhiều là Blue Lagoon (tạm dịch là Eo biển xanh) được vô tình tạo thành từ việc xây dựng một nhà máy địa nhiệt điện vào giữa những năm 1970. Nằm gần vòng cực Bắc, Iceland là một trong những quốc gia mà có thời điểm mặt trời không lặn vào ban đêm. Để đánh dấu hiện tượng thú vị này, hằng năm, Iceland tổ chức một liên hoan âm nhạc ở Reykjavik mang tên Secret Solstice vào 3 ngày mà mặt trời không lặn.
Du khách cũng có thể được ngắm nhìn một hiện tượng thiên nhiên thú vị khác ở Iceland, đó là bắc cực quang. Thêm vào đó, Iceland cũng là nơi duy nhất trên thế giới mà bạn có thể đi thang máy vào bên trong lò macma của núi lửa. Từ 2012, Thrihnukagigur mở cửa cho các du khách đủ can đảm vào thăm quan bên trong miệng núi lửa này. Các hang động băng trong suốt cũng là điểm du lịch hấp dẫn ở Iceland.
Quốc gia giàu có, nhưng bình đẳng, và yêu chuộng hòa bình
Mặc dù khá tách biệt với phần còn lại của châu Âu và dân số lại nhỏ, mức sống của Iceland vẫn tương đương với các quốc gia nằm trong lục địa già. Thu nhập của người Iceland cao thứ 7 trên thế giới vào năm ngoái (GDP/đầu người ở mức 65 871 USD), xếp sau 4 quốc gia khác cùng châu lục là Luxembourg, Thụy Sĩ, Na Uy, và Ireland.
Theo Business Insider, Iceland là quốc gia khoan dung, tiến bộ nhất thế giới năm 2017. Quốc đảo này là nước đạt gần nhất mức bình đẳng giới với khoảng cách lương giữa nam/nữ nhỏ nhất trên thế giới. Chính phủ của Iceland mới đây nói rằng họ sẽ đưa ra “Tiêu chuẩn trả lương bình đẳng”, yêu cầu các nhà tuyển dụng với hơn 25 nhân viên đảm bảo rằng họ sẽ trả lương bình đẳng cho những công việc có giá trị ngang nhau. Tiêu chuẩn này mang tính bắt buộc đối với cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Chính phủ nước này muốn xóa bỏ khoảng cách giới về tiền lương vào năm 2022.
Mặc dù là một thành viên tích cực của NATO, nhưng Iceland không có quân đội thường trực và chưa từng tham gia vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Quốc gia này an toàn đến mức toàn thể người dân đã trải qua một cú sốc khi một sĩ quan cảnh sát bắn chết một người đàn ông vào năm 2013 sau khi ông này bắt đầu bắn vào cảnh sát. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lực lượng cảnh sát Iceland bắn chết một tội phạm và họ đã phải xin lỗi công khai với người dân nước này. Thông thường, cảnh sát quốc đảo này không mang theo vũ khí.
Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với EU
Người Iceland chống lại ý tưởng gia nhập EU trong một thời gian dài, mặc dù quốc gia này là 1 thành viên của khối Schengen (khu vực bao gồm 26 quốc gia châu Âu hoạt động như 1 quốc gia duy nhất cho mục đích du lịch quốc tế với một chính sách thị thực chung) và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).
Thái độ đối với EU đã dịu đi, và trong tháng 7 năm 2009, Iceland chính thức nộp đơn xin gia nhập EU. Tuy nhiên sự ủng hộ của công chúng đối với quá trình gia nhập EU nhanh chóng suy giảm do một số yếu tố bao gồm khủng hoảng ở eurozone, tranh chấp nợ với Vương quốc Anh và Hà Lan phát sinh sau sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng ở Iceland năm 2008, và sự căng thẳng xung quanh ngành đánh bắt cá voi của Iceland và chính sách đánh bắt cá của EU.
Cho đến nay, Iceland vẫn không trở thành một thành viên của EU khi chính phủ bảo thủ và có thành kiến với EU được bầu năm 2013 đã rút đơn đăng ký của Iceland xin gia nhập EU vào năm 2015.