Rủi ro gian lận, phòng chống cách nào?

Sau vụ sai sót trong báo cáo kiểm toán tại CTCP Bông Bạch Tuyết khiến quản trị rủi ro và gian lận trong DN ngày càng trở thành chủ đề nóng.

TIN MỚI

Bên lề cuộc tọa đàm “Quản lý gian lận và các giải pháp phòng chống gian lận” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Công ty TNHH Ernst &Young Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ông Petrus Gimbad, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn rủi ro, Công ty Ernst & Young Việt Nam đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.

Rủi ro gian lận sẽ ảnh hưởng thế nào đối với hoạt động của DN, thưa ông?

Tất cả các tổ chức kinh tế đều chịu rủi ro về gian lận. Gian lận quy mô lớn sẽ dẫn tới sự suy thoái của toàn bộ tổ chức, thua lỗ tràn lan, chi phí lớn về mặt pháp lý, bào mòn kỳ vọng trên thị trường vốn.
Những hành vi gian lận của cán bộ chủ chốt bị đưa ra ánh sáng đã có ảnh hưởng xấu đối với thương hiệu, và hình ảnh của nhiều tổ chức trên toàn cầu. Những vụ scandal như Enron, WorldCom, Pamalat, Global Crossing là minh chứng điển hình.

Khi bàn về kiểm soát đối với gian lận, chúng ta nên bắt đầu từ việc áp dụng từ trên xuống, theo đó nên thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị nhằm mục đích ngăn ngừa và phát hiện gian lận. Chỉ có thể bằng những nỗ lực liên tục và không biết mệt mỏi mới có thể giúp DN ngăn ngừa các hành vi gian lận lớn.

Vậy theo ông, có những cách nào hạn chế được gian lận?

Tôi xin liệt kê những quy tắc cơ bản cho việc chủ động thiết lập môi trường kiểm soát hiệu quả đối với rủi ro về gian lận.

Quy tắc số 1, đóng vai trò là một phần trong cơ cấu quản trị kiểm soát DN, chương trình kiểm soát rủi ro về gian lận nên được thiết lập bao gồm những chính sách bằng văn bản để quán triệt kỳ vọng của ban lãnh đạo đơn vị về việc kiểm soát rủi ro gian lận.

Quy tắc 2, cần thông báo định kỳ về ảnh hưởng của rủi ro gian lận để xác định được những tình huống và vụ việc cụ thể có thể xảy ra.

Quy tắc 3, xây dựng kỹ năng phòng chống một cách khả thi những vụ việc liên quan tới rủi ro gian lận trọng yếu có thể xảy ra nhằm giảm thiểu tác động đến đơn vị.

Quy tắc 4, xây dựng kỹ năng phát hiện để tìm ra các vụ việc gian lận khi các phương tiện phòng chống không đạt hiệu quả, hoặc khi nhận thấy rủi ro là không thể giảm thiểu.

Quy tắc 5, thiết lập quy trình báo cáo để tập trung dữ liệu đầu vào về gian lận tiềm tàng và sử dụng cách thức tiếp cận có sự phối hợp giữa các bên để điều tra và đưa ra giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo gian lận tiềm tàng được phát hiện một cách phù hợp và kịp thời.

Là một trong 4 DN kiểm toán hàng đầu thế giới, Ernst & Young có thể giúp các công ty Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng của rủi ro về gian lận như thế nào?

Chúng tôi có thể giúp các đơn vị trong việc phòng tránh gian lận bằng việc cung cấp các dịch vụ về phòng tránh gian lận. Cụ thể hơn, chúng tôi giúp các đơn vị đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ trước nguy cơ gian lận và chuẩn bị kế hoạch ứng phó để giảm thiểu ảnh hưởng của nó.
Ernst & Young không chỉ cung cấp các dịch vụ này cho các công ty thương mại mà còn cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) và cho các cơ quan quản lý nhà nước…

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về kiểm soát gian lận? Công ty, nhà lập pháp, kiểm toán viên hay chủ sở hữu, thưa ông?

Các nguyên tắc quản trị luôn yêu cầu ban lãnh đạo của đơn vị hoặc cơ quan chủ quản giữ hành vi chính trực cao, bất kể đơn vị là công ty cổ phần, công ty tư  nhân, cơ quan chính phủ hay tổ chức phi lợi nhuận; bất kể quy mô và lĩnh vực hoạt động ra sao.
Vai trò của ban lãnh đạo là cực kỳ quan trọng, bởi phần lớn hành vi gian lận đựơc thực hiện qua việc thông đồng giữa các cán bộ quản lý cấp cao và các nhân viên khác.

Việc xử lý các vụ việc liên quan tới gian lận cho thấy thái độ đối với rủi ro gian lận, cũng như  “sức đề kháng” của ban lãnh đạo đơn vị trước cộng đồng, cổ đông, các bên liên quan và cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ban lãnh đạo đơn vị, nhân viên ở tất cả các cấp trong đơn vị, kiểm toán nội bộ cũng như kiểm toán độc lập, có trách nhiệm ứng phó với rủi ro về gian lận.
Nói một cách cụ thể, họ được kỳ vọng sẽ giải trình được việc làm thế nào đơn vị đáp ứng được yêu cầu pháp lý cao cũng như sự kiểm soát từ phía cộng đồng và các bên liên quan; loại hình chương trình kiểm soát rủi ro gian lận nào đang được áp dụng; làm thế nào đơn vị xác định được rủi ro về gian lận; đơn vị đã và đang làm gì để phòng tránh gian lận tốt hơn, hoặc ít nhất phát hiện gian lận sớm hơn; quy trình nào đang được thực hiện để điều tra gian lận và đưa ra giải pháp khắc phục.

Tóm lại, kiểm soát gian lận là sự kết hợp nỗ lực của tất cả các bên liên quan, đặc biệt khi đơn vị là công ty thương mại và tổ chức công.

Theo Đông Hải 
ĐTCK

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin