Không cần đợi trẻ lớn lên, chỉ cần nhìn vào 5 biểu hiện dưới đây, cha mẹ có thể đánh giá phần nào mức độ thông minh của con.
Khi nuôi dạy con, cha mẹ nào cũng mong muốn chúng lớn lên khỏe mạnh, thông minh, có tương lai tươi sáng, rộng mở. Chính vì vậy, ngay từ khi trẻ con nhỏ, nhiều bậc phụ huynh đã tò mò muốn biết về chỉ số IQ, EQ của con mình.
Dưới đây là cách đánh giá độ thông minh của trẻ 3 tuổi.
1. Khả năng vận động tinh
Trẻ em phát triển các kỹ năng vận động theo độ tuổi ở các mức độ khác nhau. Kỹ năng vận động tinh là những hoạt động mà bé sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó. Ví dụ như: cầm nắm đồ chơi, xoay, vặn, siết, lắp ghép khối, vẽ tranh, cầm bút, viết chữ, cắt kéo, cầm muỗng…
Khả năng này dần phát triển thông qua kinh nghiệm của trẻ, học hỏi từ người lớn và tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi, vật liệu, thậm chí cả thực phẩm.
Ở trẻ 3 tuổi, các hoạt động tinh của con càng rõ ràng thì càng chứng tỏ bé thông minh. Bởi khi não bộ và hệ thần kinh của trẻ phát triển, cùng với cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bé mới có thể học nhanh các kĩ năng khó. Làm chủ các chuyển động và hoạt động của toàn bộ cơ thể giúp bé tự tin hơn vào bản thân, vào hành động của mình cũng như vào thế giới xung quanh. Đây là nền tảng tốt cho sự phát triển lành mạnh cả về nhận thức, xã hội, cảm xúc của trẻ. Con sẽ sớm trở nên độc lập, bản lĩnh hơn.
Theo các chuyên gia, trẻ 3 tuổi thì các vận động tinh sẽ là biết vặn nắm cửa, rửa tay, tự cầm muỗng xúc đồ ăn cho vào miệng, hoàn thành thử thách của trò chơi đồ chơi xếp hình, cầm được bút và viết – dù đó là những nét nguệch ngoạc, lật các trang sách và chỉ vào các chi tiết nhỏ, tự bóc vỏ kẹo, cắm ống hút sữa….
2. “Vốn” ngôn ngữ của trẻ
Khi trẻ 3 tuổi, hầu hết các bé đã nói khá rõ ràng, mạch lạc. Trẻ học được nhiều từ mới và cải thiện kỹ năng phát âm. Con hiểu được 1000 từ trở lên. Từ 36 tháng trẻ có thể thu nhận được 1500 đến 2000 từ một năm.
Những đứa trẻ thông minh sẽ có thành tích vượt trội trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Hàng ngày con có thể tiếp thu thêm 4-6 từ mới. Các từ vựng liên quan đến các sự vật, sự việc phổ biến hoặc những người quen thuộc; các từ chỉ hành động, các từ mô tả, định lượng, từ để hỏi. Ngoài ra còn tăng thêm lượng từ nối câu như “và, bởi vì, nhưng, nếu…”. Các từ vựng liên quan đến con số, cảm xúc, đồ chơi quen thuộc, tên người thân…
Bên cạnh đó, trẻ sẽ cho thấy khả năng thấu hiểu ngôn ngữ của bản thân qua các cuộc hội thoại, bài hát, bài thơ… Hiểu cách giải thích về các sự vật, hiện tượng khi có sự hỗ trợ hoặc quan sát trực tiếp.
Ngoài ra, trẻ sẽ biết cách chia sẻ những trải nghiệm cá nhân thông qua lời nói. Ví dụ như con có thể nói ra cảm xúc của mình, đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc về thế giới quan… Kỹ năng giao tiếp của con cũng được hoàn thiện, phát triển.
3. Khả năng phản xạ, phản ứng
Trẻ 3 tuổi đang trong thời kỳ vàng để nhận thức và tìm hiểu thế giới bên ngoài. Nếu đứa trẻ thường xuyên tò mò, khao khát học hỏi, thắc mắc về 1 sự vật, sự việc nào đó thì đó là 1 đứa trẻ thông minh.
Ngoài ra, nếu thấy con mình có phản ứng nhanh nhạy với bất kỳ tình huống bất ngờ, hoặc những thay đổi trong cuộc sống như âm thanh, nhiệt độ phòng, đôi khi là ánh sáng… thì đó cũng là biểu hiện của chỉ số IQ cao.
Khi con cái nghịch ngợm, không lạ lẫm với môi trường mới, thích ứng nhanh với hoàn cảnh mới… cha mẹ đừng vội phàn nàn, than mệt. Bởi chỉ có những đứa trẻ năng động, hoạt bát, có trí tuệ mới có những biểu hiện đó.
4. Khả năng ghi nhớ
Cách đánh giá chỉ số IQ của con còn thông qua khả năng ghi nhớ của bé. Nếu con bạn có thể ghi nhớ các sự kiện xảy ra trong quá khứ, ví dụ như nơi cất đồ chơi, 1 kỹ năng mới được bố mẹ dạy, chi tiết nào đó trong cuộc sống… cho thấy con bạn rất thông minh. Thông thường, trẻ nhỏ thường ít nhớ lại được những gì mình đã trải qua. Những đứa trẻ thông minh, trí não phát triển thường có trí nhớ rất tốt.
Cha mẹ có thể luyện trí nhớ cho con bằng cách dạy cho bé thông qua các thẻ (flash cards), các bài học âm nhạc, đồ chơi…
5. Khả năng sáng tạo, tư duy
Sự sáng tạo giúp con người thích nghi, tồn tại và thành công trong cuộc sống. Sự sáng tạo của trẻ em không giống như người lớn. Nó bắt đầu bằng việc tái tạo, bắt chước, mô phỏng…
Khi thấy có có những phát hiện mới, những tư duy mới, dù có thể rất ngờ nghệch, cha mẹ cũng đừng nên vội vàng cười chê trẻ. Vì đó là biểu hiện của sự thông minh đấy.