Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định tăng trưởng đang phục hồi rõ nét trong khi niềm tin kinh doanh, đầu tư sẽ được cải thiện mạnh mẽ và củng cố vững chắc trong năm 2015.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo lạm phát trong năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp trước sức ép giảm giá dầu và giá hàng hóa thế giới. Giá dầu thô giảm sẽ tác động làm CPI bình quân năm 2015 giảm khoảng 1,1% điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 2014 và đạt khoảng 3%.
Điểm nổi bật tiếp theo của tình hình kinh tế trong nước là sản xuất và tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2015 tăng cao, tới 17,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1/2014 và mức tăng bình quân các tháng năm 2014.
Điểm đáng chú ý là nếu tháng 1/2014 có yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán) thì tháng 1/2015 không có yếu tố này. Đây là dấu hiệu cho thấy nền sản xuất tiếp tục phục hồi.
Tham khảo chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI (HSBC) cho thấy các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục được mở rộng. Chỉ số PMI tháng 12/2014 đạt 52,7 điểm – cao nhất kể từ tháng 4/2014. Đồng thời, chỉ số giá cả đầu vào tháng 12/2014 dưới 50 điểm và là tháng có tốc độ giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi. Giá cả của các nhà cung cấp thấp hơn, chi phí vận chuyển giảm và chi phí nhiên liệu giảm được cho là đã làm giảm chi phí sản xuất.
Tiêu dùng tăng mạnh mặc dù tháng 1/2015 không phải là tháng có yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2015 loại trừ yếu tố giá ước tăng 11,95% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước kể từ năm 2011.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định niềm tin kinh doanh và đầu tư được củng cố và duy trì vững chắc, nhờ những cam kết, nỗ lực cải cách hành chính và thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng thị trường, bình đẳng, minh bạch hơn. Chỉ số BCI về niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng mạnh kể từ quý IV/2013, đạt 78 điểm tại quý IV/2014. Đây là mức cao thứ hai kể từ năm 2010.
Trên thị trường chứng khoán, bất chấp sự kiện Biển Đông và sự bất trắc của kinh tế thế giới, chỉ số VN-Index tăng 8% trong năm 2014. Tính đến 27/1/2015, VN-Index tiếp tục xu thế phục hồi tăng 6%, sự phục hồi này nhờ vào giá xăng dầu giảm, nhà đầu tư nước ngòai có dấu hiệu giải ngân trở lại.
Phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng, Ủy ban khẳng định tăng trưởng đang phục hồi rõ nét. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý (sau khi bỏ tính mùa vụ) duy trì xu hướng tăng từ kể từ quý 2/2014.
Dựa trên phân tích định lượng, Ủy ban dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,2% là khả thi.
Cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, CPI tiếp tục đà giảm là cơ hội để xem xét điều chỉnh giá của một số mặt hàng mà không tạo biến động lớn trên thị trường và nền kinh tế. Giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí vận tải, việc sớm giảm chi phí vận tải có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với sản xuất và tiêu dùng.
Ủy ban kiến nghị, việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 và kiểm soát hàng lậu kém chất lượng là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới về đầu tư, kinh doanh có hiệu lực trong năm 2015.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì mức lãi suất thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa thì việc xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và nhiều ý nghĩa để tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh.
Trước việc đồng USD tăng giá, nhiều loại tiền khác đã giảm giá trị và điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá năm 2015, Ủy ban kiến nghị cần xem xét cân nhắc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định hơn cho nền kinh tế.
Theo Hà Chính