Hygge đã ‘xưa rồi’, chuyên gia Phần Lan tiết lộ bí mật ít biết về cội nguồn hạnh phúc của người Bắc Âu

Chìa khóa hạnh phúc của người Phần Lan không nằm ở thứ gì đó tương tự như Hygge, phúc lợi xã hội hay tình hình kinh tế mà là điều đơn giản hơn nhiều.

TIN MỚI

Hygge – một thuật ngữ xuất hiện từ văn hóa Đan Mạch và có ý nghĩa là cảm giác thoải mái, ấm cúng, hạnh phúc và thư giãn. Nó thường được sử dụng để miêu tả cách sống hàng ngày của người Đan Mạch. Các hoạt động có liên quan đến Hygge bao gồm ăn tối với gia đình hoặc bạn bè, sưởi ấm bên bếp lửa hoặc ánh nến, đọc sách trong căn phòng ấm cúng, hoặc đơn giản là thư giãn trong một không gian yên tĩnh.

Hygge đã xưa rồi, chuyên gia Phần Lan tiết lộ bí mật ít biết về cội nguồn hạnh phúc của người Bắc Âu - Ảnh 1.

Tuy nhiên theo giáo sư xã hội học người Phần Lan Jukka Savolainen tại Đại học Wayne State, Hygge chỉ bùng nổ vài năm trước nhưng đã bớt “hot” khi Phần Lan “soán ngôi” Đan Mạch trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Gallup. Tới lúc đó, bí mật về hạnh phúc của người Phần Lan được quan tâm và mổ xẻ hơn cả.

Jukka chia sẻ, thứ tương tự với Hygge trong văn hóa Phần Lan, theo cách nhiều phương tiện truyền thông mô tả, là một cụm từ khó nhớ, khó phát âm hơn nhiều: Kalsarikännit – tức là hành động ngồi một mình trong nhà khi chỉ mặc quần lót và uống đến say khướt. Ông thành thật: “Nếu đó là bí mật cho một cuộc sống hạnh phúc thì hãy cứ để nó là bí mật đi”.

Trong một bài báo trên Slate, Jukka Savolainen nhiệt thành giải thích những hiểu nhầm và cả sự thật bất ngờ về cái gọi là “bí quyết hạnh phúc” của quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh, dưới đây là phần lược dịch.

Bí mật của hạnh phúc chỉ nằm trong 2 chữ?

“Không ai hoài nghi hơn người Phần Lan về quan điểm cho rằng chúng tôi là những người hạnh phúc nhất thế giới. Công bằng mà nói, đây không phải là thứ hạng toàn cầu duy nhất mà chúng tôi đứng đầu gần đây. Chúng tôi hoàn toàn ổn với danh tiếng là có hệ thống giáo dục tốt nhất (không đúng sự thật), mức độ tham nhũng thấp nhất (có thể), nền kinh tế bền vững nhất (sao cũng được), v.v.

Nhưng đất nước hạnh phúc nhất? Tha cho chúng tôi đi.

Phần Lan không phải lúc nào cũng có được danh tiếng quốc tế tuyệt vời như vậy. Vào năm 1993, khi tôi đang sống ở New York và vẫn vừa mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, 60 Minutes có một phân đoạn về Phần Lan, mở đầu bằng mô tả về những người bộ hành Helsinki đang sinh hoạt thường nhật:

Hygge đã xưa rồi, chuyên gia Phần Lan tiết lộ bí mật ít biết về cội nguồn hạnh phúc của người Bắc Âu - Ảnh 2.

Người bộ hành trên đường phố Helsinki hôm 12/1 vừa qua.

Đây không phải là tình trạng quốc tang ở Phần Lan, đây là những người Phần Lan ở trạng thái tự nhiên; e ấp và kín đáo; chẳng giao tiếp với ai khác ngoài bản thân họ; những người nhút nhát nhất trên trái đất. Chán nản và tự hào về điều đó‘.

Về nét mặt của người Phần Lan, không có nhiều thay đổi kể từ đó. Chúng tôi vẫn dè dặt và sầu muộn như xưa. Nếu hạnh phúc được đo bằng nụ cười, người Phần Lan sẽ là một trong những dân tộc khốn khổ nhất thế giới.

Hóa ra, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới – nghiên cứu hàng năm chịu trách nhiệm về các bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc – không chú ý đến nụ cười hay những biểu hiện vui vẻ bên ngoài khác. Thay vào đó, báo cáo dựa trên các cuộc thăm dò của Gallup, yêu cầu người trả lời tưởng tượng một cái thang với các bậc được đánh số từ 0 đến 10.

Nấc trên cùng (10) đại diện cho cuộc sống tốt nhất bạn nghĩ có thể dành cho bạn, trong khi nấc dưới cùng (0) đại diện cho điều tồi tệ nhất.

Những người tham gia khảo sát sau đó được hướng dẫn báo cáo con số tương ứng với bậc thang mà họ cho rằng mình đang ở vào. Nói cách khác, bạn được coi là hạnh phúc nếu hoàn cảnh sống thực tế của bạn gần đúng với kỳ vọng cao nhất của bạn. Không cần phải vỗ tay hay giậm chân (ăn mừng).

Với định nghĩa vô cảm về hạnh phúc này, không có gì ngạc nhiên khi những người đồng hương của tôi lại đạt điểm cao trong khảo sát về mức sống trung bình.

So với hầu hết các quốc gia khác, hoàn cảnh sống khách quan ở Phần Lan thực sự rất tốt: tỷ lệ nghèo đói, vô gia cư và các hình thức thiếu thốn vật chất khác ở mức thấp nhất có thể; người dân được tiếp cận phổ cập và miễn phí với giáo dục và chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới; kỳ nghỉ thai sản cho cha mẹ rất hào phóng và các kỳ nghỉ được trả lương dài.

Đây là những loại yếu tố mà hầu hết các chuyên gia tập trung vào khi tìm hiểu lý do tại sao Phần Lan, Đan Mạch và các quốc gia phúc lợi Bắc Âu khác thống trị bảng xếp hạng hạnh phúc.

Hygge đã xưa rồi, chuyên gia Phần Lan tiết lộ bí mật ít biết về cội nguồn hạnh phúc của người Bắc Âu - Ảnh 3.

Nhưng đó chưa phải tất cả. Chúng ta không nên bỏ qua ‘kỳ vọng’, biến số còn lại của công thức được sử dụng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Kế thừa di sản Giáo hội Luther, các quốc gia Bắc Âu đều có kỳ vọng hạn chế về cuộc sống tốt nhất có thể.

Tâm lý này được ghi lại một cách nổi tiếng trong Luật Jante – một tập hợp các điều răn được cho là chìa khóa tiên quyết cho thành công cá nhân của người Bắc Âu: “Bạn không được nghĩ rằng mình có gì đặc biệt; bạn không được tưởng tượng mình giỏi hơn tập thể; bạn không được nghĩ rằng mình giỏi bất cứ thứ gì”,…

Các đặc tính của người Bắc Âu hoàn toàn trái ngược với văn hóa Mỹ được đặc trưng bởi “việc cực kỳ chú trọng đến tích lũy của cải như một biểu tượng của sự thành công”, theo quan sát của nhà xã hội học Robert K. Merton vào những năm 1930.

Các quốc gia Bắc Âu cung cấp cuộc sống đàng hoàng cho công dân và giúp họ không phải trải qua những giai đoạn khó khăn về vật chất kéo dài. Hơn nữa, họ chấp nhận một định hướng văn hóa đặt ra những giới hạn thực tế cho kỳ vọng của một người về một cuộc sống tốt đẹp. Trong những xã hội này, chiếc thang 10 bậc tưởng tượng không quá cao, bậc đầu tiên khá cao và khoảng cách giữa các bậc tương đối ngắn.

Mọi người được xã hội hóa để tin rằng những gì họ có là tốt nhất có thể – hoặc đủ gần. Tư duy này giải thích tại sao người Phần Lan là những người hạnh phúc nhất trên thế giới mặc dù sống trong những căn hộ nhỏ, có thu nhập khiêm tốn – với sức mua thậm chí còn hạn chế hơn do giá cả và thuế cao – và, không giống như Iceland, thậm chí còn chưa từng tham dự World Cup!

Hygge đã xưa rồi, chuyên gia Phần Lan tiết lộ bí mật ít biết về cội nguồn hạnh phúc của người Bắc Âu - Ảnh 4.

Vì vậy, đúng là tôi nghĩ rằng văn hóa đóng vai trò rất lớn trong việc hiểu được tại sao các quốc gia như Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đạt điểm cao về chỉ số hạnh phúc cụ thể này. Nhưng đặc điểm văn hóa liên quan không phải là Hygge cũng không phải là Kalsarikännit. Nếu tôi phải chọn một từ của người Scandinavia để thâu tóm thành phần văn hóa chính xác trong hạnh phúc của người Bắc Âu, thì đó có thể là thuật ngữ Lagom của Thụy Điển và Na Uy, nên được dịch là “vừa đủ”, tức là không quá nhiều cũng không quá ít.

Tương tự như Hygge ở Đan Mạch, Lagom thường được cho là nắm bắt được bản chất của văn hóa Thụy Điển – đề cao sự khiêm tốn và từ chối sự thái quá – nhưng trên thực tế, những giá trị này đặc trưng cho toàn bộ khu vực Bắc Âu và chắc chắn nhất là Phần Lan.

Xét về kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp, Lagom khuyến khích sự hài lòng với những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nếu bạn đã có những thứ đó, bạn không có gì phải phàn nàn. Thế là, bạn đang hạnh phúc”.

Nói tóm lại, bí mật hạnh phúc của người Phần Lan nói riêng hay Bắc Âu nói chung hóa ra nằm ở “biết đủ”. Tất nhiên, đó chỉ là một định nghĩa đơn lẻ về hạnh phúc và không phải ai cũng cần đồng ý với định nghĩa này.

Đơn cử như bản thân Jukka, định nghĩa về hạnh phúc của ông cũng khác với đa số đồng hương. Với ông (và có lẽ cả nhiều người khác), hạnh phúc bao gồm niềm vui, tình yêu và sự gắn kết có ý nghĩa với những người xung quanh, đôi khi là cả trong một bầu không khí hướng ngoại, nhộn nhịp.

Nguồn: Stale

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin