Nhiều người lao vào hình thức này như những con “thiêu thân”, nhưng sự thật về nó không phải ai cũng tỏ tường.
TIN MỚI
Có ý kiến cho rằng, do trình độ dân trí thấp, quản lý chưa theo kịp thì nên cấm hình thức kinh doanh này để tránh nhiều người bị lừa.
Vẽ ra một viễn cảnh trong mơ với thu nhập lên tới cả trăm triệu/tháng, những buổi họp cổ đông ầm ĩ với một khẩu hiệu duy nhất “tiền, tiền… tiền”. Đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi bất cứ ai được chào mời tham gia hình thức bỏ một số tiền nhất định để làm thành viên của mạng lưới bán hàng đa cấp. Nhiều người lao vào hình thức này như những con “thiêu thân”, nhưng sự thật về nó không phải ai cũng tỏ tường và đã có những bài học đắt giá cho giấc mơ “làm giàu không khó”.
Làm giàu… có khó?
Những dòng giới thiệu, chào mời đầy mập mờ, hứa hẹn như “không cần thời gian cố định, không cần hình thức, chỉ cần bạn có một khát khao làm giàu là đủ” là những gì mọi người sẽ nghe được khi gặp một thành viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Đó là chưa kể đến những quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm và doanh thu theo kiểu “bốc giời” nếu bạn gặp những người được giới thiệu là thành viên vàng, kim cương trong hệ thống này. Kiểu kinh doanh đa cấp tập trung vào mọi đối tượng từ sinh viên, công nhân, bác sỹ… đến cả nông dân.
Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên Học viện Ngân hàng đang làm thêm nhiều việc để cố gắng kiếm thêm thu nhập. Cô cùng với 4 người bạn cùng lớp chung tay mở dịch vụ bán hàng quần áo qua mạng. Tuy nhiên với số lượng hàng hóa bán được không nhiều, mỗi tháng cô chỉ thu nhập thêm được khoảng 1.000.000 đồng.
Cùng chung hoàn cảnh, Hoàng Thị Thúy ở cùng phòng trong KTX đã úp mở với Hạnh về một việc làm thêm đầy hấp dẫn. Nghe lời giới thiệu mùi mẫn, Hạnh hăm hở đến dự buổi họp cổ đông của công ty. Hạnh kể lại: “Theo giới thiệu của họ thì đây là công ty có trụ sở ở TP.HCM. Tôi đến đó và thật sự choáng với những khẩu hiệu được hô hào ở đây. Sau mỗi lời nói của vị chủ tọa, các nhân viên chỉ hô một từ: “Tiền, tiền, tiền”.
Để tận mục sở thị hình thức chiêu nạp thành viên của mạng lưới kinh doanh trên, tôi lân la tỏ ý muốn được làm thành viên mới của Thúy. Như bắt được vàng, Thúy mời tôi tới dự buổi kết nạp thành viên mới MB24 (Cty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến) tại một địa chỉ nằm trên đường Nguyễn Khuyến, Hà Đông, Hà Nội.
Theo giới thiệu của “thủ lĩnh” nhóm đã ở cấp độ VIP, thì sau khi đóng 5,2 triệu đồng, chúng tôi sẽ được cho một gian hàng trên website của công ty để làm gian hàng thương mại điện tử. Sau đó, thủ lĩnh có vài câu hỏi mang tính trao đổi về việc kinh doanh với các thành viên của mình. “Sau những giải thích lằng nhằng và cách đặt những câu hỏi liên tục của anh ta, tôi có cảm giác như mình đang làm chủ hình thức kinh doanh này chứ không phải bị lôi kéo”, chị Hạnh nói.
Cũng theo chị Hạnh thì họ “vẽ” ra một viễn cảnh trong tương lai về sự thành công như: Được đi du lịch thế giới, có mức thu nhập hàng trăm triệu /tháng, quản lý hệ thống hơn 50 người… Suốt từ 9h sáng đến trưa, chúng tôi như lạc vào thế giới kim tiền. Vị “thủ lĩnh” tự giới thiệu, anh là sinh viên Học viện cảnh sát (cơ sở 2 TP.HCM) nhưng sẵn sàng từ bỏ tương lai để tham gia MB24 vì hình thức kinh doanh hiện đại và khả năng làm giàu nhanh chóng.
Không chỉ vẽ ra một tương lai giàu có, anh chàng này còn chỉ cho các thành viên mới cách làm gì để có tiền để mua gian hàng điện tử. “Em có chứng chỉ ngoại ngữ chưa? Em có bằng tin học chưa? Em có laptop không?. Em có thể xin tiền bố mẹ học ngoại ngữ, học tin học. Em cũng có thể đem cắm laptop để có tiền ngay. Em cũng có thể vay bạn bè, người thân. Em sẽ lấy lại tất cả khi em giới thiệu được 3, 4 thành viên mới”.
Dù tôi đã nói để hỏi ý kiến anh chị vì không có tiền, nhưng anh chàng thủ lĩnh vẫn nhất quyết bảo tôi không nên hỏi mà hãy âm thầm làm để gây bất ngờ cho người thân. Sau 4 tiếng đồng hồ, đúng 13h trưa, tôi mới thoát khỏi buổi giới thiệu thành viên mới. Chỉ khổ một cô bé (hình như là sinh viên năm thứ nhất) bị anh chàng thủ lĩnh nhất quyết bắt đưa ra lịch hẹn khi nào mang tiền đến đăng ký.
Theo như lời kể của chị Hạnh thì hình thức kết nạp thành viên mới của công ty này không khác là bao với buổi chia lợi nhuận của công ty bán hàng đa cấp T.N.M.U (có trụ sở tại Từ Liêm, Hà Nội) mà PV từng chứng kiến cách đây vài năm. Vẫn là những chiếc bàn nhỏ được kê san sát nhau trong tầng một của một tòa nhà với toàn những gương mặt còn rất trẻ. Người ngồi chủ tọa ở mỗi bàn đều có dáng vẻ của những người thành đạt. Đàn ông thì sơ mi thắt caravat, phụ nữ thì mặc váy kèm thêm chiếc thẻ đỏ (gắn với cấp độ của họ) đeo lúc lắc trước ngực.
Nợ nần vì giấc mơ triệu phú
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại buổi giới thiệu nếu đăng ký làm thành viên mới sẽ phải đóng 1,5 triệu đồng đặt chỗ. Trong vòng 3 ngày nếu không có đủ số tiền 5,2 triệu đồng thì số tiền đặt cọc sẽ bị mất. Mỗi lần phát triển thêm một thành viên, người giới thiệu sẽ được 1,5 triệu đồng tiền hoa hồng. Theo “cây lợi nhuận” mà những người kinh doanh này vẽ ra thì chỉ cần mời được 4 người sẽ hòa vốn. Sau đó, thành viên đó chỉ cần ngồi và ăn hoa hồng với mức thu nhập mỗi tháng tính bằng đô la?!.
Theo lời giới thiệu của những người tham gia MB24, hình thức kinh doanh “thương mại điện tử”, “gian hàng điện tử” không phải là bán hàng đa cấp. Nó là hình thức ở giữa bán hàng truyền thống và bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà kinh doanh thì thực chất hình thức này vẫn là bán hàng đa cấp. Chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi.
Cách đây ít lâu, dư luận ở Tây Nguyên xôn xao chuyện một loạt người dân ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ rơi vào nợ nần vì tham gia mua gian hàng điện tử. Điều đáng nói là đa số người dân ở đây đều không hề biết gì về hình thức kinh doanh này, cũng như công nghệ thông tin. Họ cả đời chỉ biết lên nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa mà chưa một lần được dùng máy tính, internet.
Vậy mà sau những lời giới thiệu, chào mới của các thành viên của Cty MB24, thay vì bỏ tiền mua hàng thật, hàng trăm người lại đổ xô đi mua gian hàng điện tử với giá 5,2 triệu đồng/gian, để được kết nạp làm hội viên. Có người mua tới 5 gian hàng điện tử nhưng chỉ nhớ mỗi tên đăng nhập còn mật khẩu thì không tài nào nhớ nổi.
Theo đại diện MB24 ở khu vực này, cách chia thưởng hoa hồng cho khách hàng mua gian hàng điện tử được tính theo hệ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Theo đó, người giới thiệu trực tiếp sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng và hưởng gián tiếp 320 nghìn đồng mỗi cặp từ nhánh dưới. Khi mỗi nhánh đủ 99 cặp gian hàng điện tư,ã người sở hữu cấp 1 sẽ trở thành VIP, có phần hoa hồng tương đương trên 111 triệu đồng. Và sau đó là VIP 1, VIP 2, VIP 3…
Theo tìm hiểu của PV, các nhà tuyển dụng của mô hình kinh doanh trên khuyến khích bạn tìm kiếm và lôi kéo những người khác tham gia cùng. Từ đó, sau mỗi hóa đơn bán hàng, hay đăng ký thành viên mới, bạn sẽ nhận được một số phần trăm nào đó. Như vậy bạn càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì bạn càng có nhiều tiền. Nhưng khi có một rủi ro từ tổng công ty (như tuyên bố đóng cửa) thì ai sẽ là người chi trả?. Nó dẫn tới đổ vỡ theo phản ứng dây chuyền.
Khi công ty đa cấp hàng đầu sụp đổ
Còn nhớ cách đây không lâu, sự sụp đổ của công ty đa cấp đầu tiên ở Việt Nam, công ty TNHH Agle Việt Nam được thành lập vào năm 2008. Thời điểm lớn mạnh nhất vào năm 2009-2010, công ty có số lượng thành viên lên tới 50.000 người. Sau đó, con số này bị thu hẹp nhưng luôn giữ ở mức 30.000 thành viên. Vào năm 2011, Agle bất ngờ ngừng hoạt động. Hàng nghìn thành viên của công ty này bỗng dưng rơi vào cảnh trắng tay.
Theo Hoàng Mai- Ngân Giang
Người đưa tin