WinCommerce đạt lợi nhuận gộp quý II/2024 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, lần đầu có lãi sau gần 10 năm, nhờ lợi thế từ nền tảng sản xuất, phân phối và bộ phận logistics nội bộ.
Theo công bố của Masan, WinCommerce (công ty vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+, WiN) đạt 7.844 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2024, đã có lãi sau thuế từ tháng 6. Mức tăng trưởng trong tháng đạt 9,7%.
WinCommerce cũng vận hành hơn 3.600 điểm bán, mở 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12/2023 với đa dạng các mô hình bán lẻ (siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+, WiN). Đơn vị tiếp tục là nhà bán lẻ hiện đại đứng đầu về quy mô điểm bán.
Sau hơn 4 năm về tay Masan, đây là lần đầu WinCommerce công bố đạt lợi nhuận sau thuế. Kết quả này đến từ nhiều chiến lược dài hạn nhằm tăng lượng khách đến cửa hàng và kiểm soát các chi phí vận hành. Lợi thế của chuỗi bán lẻ này là kết hợp các mặt hàng sản xuất hàng tiêu dùng, khả năng xây dựng thương hiệu của Masan Consumer (công ty con của Masan) và bộ phận logistics nội bộ – Supra.
Masan Consumer vận hành một trong những mạng lưới phân phối thực phẩm và đồ uống lớn nhất tại Việt Nam. Điều này mang đến khả năng cung cấp hàng hóa tối ưu hơn cho người tiêu dùng trong khi giảm được chi phí vận chuyển. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh riêng biệt cho WinCommerce trong cuộc đua giành thị phần mảng bán lẻ tại Việt Nam.
Hoạt động trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng, Masan cũng có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu mạnh. Đến cuối năm 2023. Masan sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu trên 2.000 tỷ đồng gồm Chin-su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư, WakeUp 247. Việc kinh doanh các thương hiệu này giúp chuỗi cửa hàng, siêu thị WinCommerce đạt doanh thu ổn định.
Nhiều thương hiệu khác của Masan như rau sạch WinEco, thịt ủ mát MEATDeli cũng đóng vai trò “chất dẫn” hút khách đến hệ thống bán lẻ của WinCommerce. Với chương trình Hội viên WiN, khách hàng thân thiết được áp dụng ưu đãi tiết kiệm 20% khi mua sắm các sản phẩm này
Sau một năm ra mắt, chương trình Hội viên WiN hiện cán mốc 10 triệu thành viên. Theo công bố, công ty không tốn chi phí thu hút khách hàng cho chương trình này. Trung bình, hội viên mua sắm 4 lần mỗi tháng với giá trị giỏ hàng cao hơn gấp đôi so với những người không phải là hội viên.
Kế thừa thế mạnh R&D và năng lực xây dựng thương hiệu mạnh của Masan, WinCommerce phát triển đa dạng nhãn hàng riêng với giá thành thấp hơn từ 10-20% so với sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường. Nổi bật trong danh mục này là Gạo Ngọc Nương, trứng gà O’lala, WinMart Good (thực phẩm khô) và WinMart Home (sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia dụng). Loạt nhãn hiệu riêng bán tại chuỗi cửa hàng toàn quốc giúp đơn vị cạnh tranh về giá tốt hơn.
Tháng 6/2023, Masan vận hành Trung tâm phát triển sản phẩm và nghiên cứu người tiêu dùng (Consumer Innovation Center – CIC). Mục tiêu đặt ra là toàn quốc sẽ có 5 trung tâm này, hoạt động dựa trên nguyên tắc mô phỏng cuộc sống sinh hoạt thực tế tại hộ gia đình để người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm, đóng góp ý kiến phát triển sản phẩm. Thông tin từ trải nghiệm thực tế là nền tảng để đơn vị đưa ra những nghiên cứu dựa trên 4 tiêu chí: chính xác, tốc độ, bảo mật và tối ưu chi phí. Những nghiên cứu này được Masan áp dụng trên sản mới phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm tạo trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, tăng khả năng thành công, tối ưu lợi nhuận nhờ thấu hiểu thị hiếu.
Một phần quan trọng giúp đơn vị có lãi là tối ưu kiểm soát chi phí. WinCommerce giải bài toán chi phí, đưa ra sản phẩm giá tốt bằng cách tận dụng Supra – đơn vị logistic của Masan để đảm bảo hàng hóa vận chuyển kịp thời đến 3.600 siêu thị tại 62 tỉnh thành.
Supra thành lập năm 2022, là đơn vị logistics nội địa với mục tiêu phục vụ hệ sinh thái của tập đoàn, giúp người tiêu dùng và đối tác tiết kiệm chi phí nhất có thể. Hệ thống trung tâm phân phối (Distribution Center – DC) của Supra gồm 10 cụm kho, (6 cụm kho khô và 4 cụm kho lạnh). Sản lượng hàng giao qua hệ thống DC chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce.
Để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn, Supra ứng dụng nhiều công nghệ vào quản lý, vận hành. Đơn vị này sử dụng công nghệ quản lý kho hàng online và offline cho 100% luồng hàng qua DC đến toàn bộ các chuỗi. Các khâu theo dõi, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập, tồn, đến vận chuyển để hỗ trợ hoạt động đặt hàng và bán hàng đều được kiểm soát bằng hệ thống riêng. Supra cũng dùng công nghệ để tối ưu hóa nhiều hoạt động liên quan đến quản lý hồ sơ, chứng từ; quản lý đội xe; tự động hóa hệ thống điều hành, bố trí thời gian, tuyến đường và tính năng truy vết đơn hàng. Theo ước tính của ban lãnh đạo, Supra đã hỗ trợ hệ thống bán lẻ WinCommerce tiết giảm 11% chi phí.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2024, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce cho biết chuỗi bán lẻ đã hoàn tất giai đoạn xác định các mô hình tối ưu. Trong thời gian tới, đơn tập trung cho mục tiêu tăng trưởng có lợi nhuận trên toàn mạng lưới, trung bình mỗi ngày mở một điểm bán mới và dự kiến cán mốc 4.000 vào cuối năm.
Hoài Phương