VEPR: Đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN để lấy nguồn ứng vốn cho VAMC xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu gặp bế tắc do VAMC không thể thực hiện chức năng như bản thiết kế. VAMC chỉ đơn thuần giữ nợ xấu của các TCTD và chưa thể bán được nợ xấu cho chủ thể khác.

Thông tin này được Viện Nghiên cứu Chính sách – VEPR (Đại học Quốc gia) đưa ra trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2014 vừa được công bố.

Xử lý nợ xấu gặp bế tắc

Theo bản Báo cáo, nợ xấu trong 3 quý đầu năm gia tăng do quy định mới về phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu. Gia tăng mạnh ở nhóm nợ nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Nợ xấu đang manh nha hình thành trên những khoản nợ mới.

Xử lý nợ xấu gặp bế tắc do VAMC không thể thực hiện chức năng như bản thiết kế. VAMC chỉ đơn thuần giữ nợ xấu của các TCTD và chưa thể bán được nợ xấu cho chủ thể khác. Nợ xấu vẫn phù thuộc hoàn toàn vào hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cho đến nay, các các cơ chế pháp lý cần thiết để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu chưa được xây dựng đầy đủ. Quyền tài sản, nhất là quyền sở hữu gắn với đất đai, chưa được phân định rõ ràng, dẫn tới việc đưa cơ chế thị trường vào quá trình định giá và xác định người mua gặp nhiều vướng mắc.

“Nợ xấu chỉ được xử lý khi có sự chuyển giao nợ xấu cùng với quyền sở hữu gắn với tài sản thế chấp và có “dòng chảy” trên thị trường. Để có “dòng chảy” vốn mua bán nợ xấu thì nhất thiết phải sử dụng tiền thật, bất kể là tiền ngân sách hay vốn của tư nhân, và sự thiếu nhất trí về việc sử dụng vốn từ ngân sách hay vay nợ nước ngoài đang trì hoãn việc tạo thanh khoản cho thị trường” – Bản báo cáo nhấn mạnh.

Theo quan điểm của VEPR, vốn vay khó chảy vào nền kinh tế khi mà DN kinh doanh tốt có nhu cầu tín dụng thấp, còn ngân hàng hạn chế cho vay số còn lại do rủi ro cao. Vốn nhàn rỗi tìm đến các nơi có rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ và bảo lãnh bởi chính phủ.

“Trái phiếu kho bạc phát hành kể từ đầu năm tăng gấp rưỡi so với cả năm 2013, khoảng 220.000 tỷ đồng – một kỷ lục mới về huy động trái phiếu. Nhu cầu với kỳ hạn dài hơn đang tăng lên cũng gợi ý sự lạc quan vào tình trạng vĩ mô của nền kinh tế” – VEPR lấy dẫn chứng.

Do đó, đơn vị này khiến nghị nên đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN để lấy nguồn tài chính cung ứng vốn cho VAMC xử lý nợ xấu. Có thể kết hợp với vốn vay của nước ngoài và phối hợp với đối tác nước ngoài trong việc giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh cung cấp vốn, cơ chế pháp lý cần thiết cho sự vận hành của một thị trường mua bán công cụ nợ phải được gấp rút xây dựng, bao gồm xác định rõ ràng quyền tài sản gắn với đất đai, thay đổi quy định pháp luật liên quan đến phát mại, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu.

Cũng theo VEPR, biện pháp quốc hữu hoá có thể được áp dụng cho các ngân hàng kém lành mạnh về tài chính, sau khi được tái cấu trúc có thể tiến hành bán phần tài sản NHNN đã mua.

Cam kết giữ tỷ giá của Thống đốc khó làm thay đổi kỳ vọng của thị trường

Phân tích về tỷ giá, theo VEPR, tỷ giá hối đoái giữa VND và USD dao động trong vùng 21200 và 21250 trong phần lớn thời gian của quý III. Tỷ giá đã hạ nhiệt từ sức nóng ở cuối quý II khi thị trường phản ứng với sự điều chỉnh tỷ giá lên 1% so với đầu năm của NHNN.

Diễn biến trên thị trường tiền tệ sau đó phản ánh đúng trạng thái của VND so với USD: VND có xu hướng mạnh lên so với USD do nền kinh tế có thặng dư lớn trong thương mại và đầu tư. Tỷ giá danh nghĩa đến cuối tháng 9 giảm 0,48% so với tỷ giá tham chiếu của NHNN.

Đồng USD đang tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, kết hợp với xu hướng tăng giá của VND so với USD khiến VND tăng giá so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của mình. Không chỉ vậy, xu hướng tăng tỷ giá hiệu dựng thực tế vẫn ngầm diễn ra. Để tiếp tục hỗ trợ khu vực xuất khẩu và sản xuất thay thế nhập khẩu ở trong nước, NHNN cần duy trì VND yếu so với USD.

Lời cam kết giữ tỷ giá cuối năm không tăng quá 1,43% của Thống đốc khó làm thay đổi kỳ vọng của thị trường vào giá trị của VND.

Khánh Nhi

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin