Chỉ số AQI vượt ngưỡng 300, Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nặng với chất lượng không khí độc hại: Người dân đối mặt với nguy cơ cao bị bệnh hô hấp

Hà Nội lại tiếp tục có thêm một ngày chìm trong ô nhiễm không khí, với mức độ trầm trọng hơn.

TIN MỚI

Chưa bao giờ Hà Nội lại trải qua một đợt ô nhiễm không khí nặng nề đến như vậy. Kể từ ngày 13/9, Hà Nội liên tiếp lọt vào top các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của tổ chức Air Visual. Với chỉ số AQI luôn dao động ở mức 180-250, bầu không khí hiện tại ở Thủ đô đang được đánh giá là không an toàn và cực kỳ không an toàn.

Đến sáng ngày 1/10, tình hình ô nhiễm chẳng những không giảm bớt mà còn có xu hướng trầm trọng thêm. Trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 9h – thời điểm mà rất nhiều người dân đổ ra đường để đi làm, chỉ số AQI của Hà Nội trên trang Air Visual đã đạt con số kỷ lục 320.

Không còn ở mức tím như vài ngày trước mà chuyển sang mức tím đậm, chất lượng không khí tại Hà Nội hiện nay đang nằm ở mức độc hại. Chỉ số bụi mịn PM2.5 là 203.9 µg/m³, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chỉ số AQI vượt ngưỡng 300, Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nặng với chất lượng không khí độc hại: Người dân đối mặt với nguy cơ cao bị bệnh hô hấp - Ảnh 1.

Chỉ số AQI ở Hà Nội trên trang Air Visual vào sáng ngày 1/10.

Theo bảng xếp hạng này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu các thành phố có chất lượng không khí bẩn nhất thế giới. Thậm chí, chỉ số AQI của Hà Nội còn bỏ xa hai thành phố Dubai (UAE) và Thành Đô (Trung Quốc) với khoảng cách khá lớn. Hầu hết các thành phố trong top 10 chỉ có mức độ ô nhiễm không khí nằm ở mức không an toàn (màu đỏ), thay vì mức độc hại (màu tím đậm) như Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đứng ở vị trí thứ 5, với chỉ số AQI là 161.

Trong đó, khu vực phía Bắc hồ Tây vẫn là nơi có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Tại các khu vực khác như Đại sứ quán Hoa Kỳ, Thành Công, Chi cục Bảo vệ Môi trường, chỉ số AQI vẫn nằm ở mức đáng lo ngại.

Chỉ số AQI vượt ngưỡng 300, Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nặng với chất lượng không khí độc hại: Người dân đối mặt với nguy cơ cao bị bệnh hô hấp - Ảnh 2.

Chỉ số AQI tại các khu vực cụ thể của Hà Nội.

Theo ý kiến của một vài chuyên gia môi trường, nguyên nhân của đợt ô nhiễm không khí lần này tại Hà Nội là do khí thải từ các xe cộ, bụi bẩn từ các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, tình trạng đốt rơm rạ ở các vùng ngoại thành và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cũng như đợt đốt vàng mã đầu tháng đã khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Sau nhiều ngày ô nhiễm không khí, đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô hoàn toàn bị đảo lộn. Dù biết không nên ra đường trong thời điểm sáng sớm hoặc tối muộn, nhiều người buộc phải bất chấp để đi làm, đi học,… 

Chỉ số AQI vượt ngưỡng 300, Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nặng với chất lượng không khí độc hại: Người dân đối mặt với nguy cơ cao bị bệnh hô hấp - Ảnh 3.

Cư dân mạng không ngờ “sương mù” mà họ nhìn thấy vào sáng sớm là bụi bẩn từ ô nhiễm không khí.

Tại các con đường lớn vào giờ cao điểm, bụi trắng trời làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông. Ai cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang, áo chống nắng mặc để chống bụi, nhưng không mấy tác dụng. Về tới nhà, quần áo, mặt mũi người nào cũng phủ một lợi bụi đen xì rất bẩn. Nhiều người dân cho biết, họ liên tục hắt xì hơi, chảy nước mũi, cay mắt mỗi khi từ ngoài đường về. 

Chỉ số AQI vượt ngưỡng 300, Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nặng với chất lượng không khí độc hại: Người dân đối mặt với nguy cơ cao bị bệnh hô hấp - Ảnh 4.

Chưa kể, bụi mịn trong không khí bẩn có thể khiến người đi đường bị kích ứng mắt, họng và mũi. Một số người còn cảm thấy ho, đau họng, khó thở… Tiếp xúc với bụi lâu ngày dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp đặc biệt nguy hiểm như viêm phế quản, hen, viêm mũi dị ứng, thậm chí gây đau tim và đột quỵ. Trong đó, người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người bị bệnh hô hấp mãn tính chính là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Trước đó, một nghiên cứu ở Đài Loan cũng tìm ra được mối liên hệ giữa bụi mịn PM2.5 và ung thư miệng. “Nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy các phân tử bụi mịn có tác hại khôn lường như thế nào đến sức khỏe của con người”, Yu-Hua Chu đến từ ĐH châu Á cho biết. Tại Anh, ô nhiễm không khí gián tiếp gây ra 29.000 ca tử vong do ung thư phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi,… Ở Việt Nam, có hơn 43% số ca tử vong cũng liên quan tới các bệnh lý gây ra do ô nhiễm không khí.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, người dân nên đeo khẩu trang chuyên dụng có khả năng lọc bụi trước khi ra khỏi nhà. Nếu cảm thấy không khỏe hoặc không khí quá ô nhiễm, người dân nên ở trong nhà, thay vì đi tập trung hay tập thể dục ngoài trời. Phải thường xuyên vệ sinh cá nhân để tránh bụi bẩn, ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng. 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin