Theo cựu chuyên gia kinh tế Nhà Trắng Joe Sullivan, đồng USD có thể phải đối mặt với những thách thức gia tăng từ các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Vì khối này đang ngày càng có sức ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Trong bài xã luận gần đây, chuyên gia kinh tế Joe Sullivan đã chỉ ra khả năng các quốc gia BRICS tạo ra một loại tiền tệ cạnh tranh với đồng bạc xanh trong thương mại quốc tế. Một loại tiền tệ như vậy có thể lật đổ vị thế đứng đầu thị trường thương mại toàn cầu của đồng USD và trở thành đồng tiền dự trữ chính.
Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS cho biết không có đồng tiền nào đang được phát triển. Nhưng gần đây, họ lại đang mở rộng quy mô khối với việc mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tham gia. Ông Sullivan cảnh báo điều này cũng có thể ảnh hưởng đến đồng đô la Mỹ.
Việc thêm thành viên là Ai Cập, Ethiopia và Ả Rập Xê Út có thể mang lại cho BRICS 12% sức ảnh hưởng trên tổng thương mại toàn cầu. Vì ba quốc gia này có vị trí địa lý quanh kênh đào Suez, tuyến đường biển huyết mạch để hàng hoá chảy vào thị trường quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Sullivan lưu ý rằng khối này cũng có ảnh hưởng lớn trên thị trường hàng hoá. Ả Rập Xê Út, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm trong số những nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Brazil, Trung Quốc và Nga là những nhà xuất khẩu kim loại lớn.
Việc bổ sung thêm Ả Rập Xê Út nói riêng cũng có thể mang lại cho BRICS+ một lợi thế lớn. Quốc gia Trung Đông này sở hữu hơn 100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, điều này sẽ giúp nâng tổng trái phiếu kho bạc Mỹ mà BRICS nắm giữ lên hơn 1.000 tỷ USD.
Ông nói thêm rằng các quốc gia BRICS+ không cần đợi đến khi có một loại tiền tệ thương mại đáp ứng những điều kiện của tiền dự trữ toàn cầu mới có thể làm lung lay vị thế của đồng USD.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang vượt xa nhiều loại tiền tệ khác trên thế giới, khi các đối tác của Bắc Kinh tăng cường sử dụng đồng tiền này.
Cuối cùng, những xu hướng này sẽ khiến đồng bạc xanh rơi vào tình cảnh giống đồng bảng Anh, loại tiền tệ vốn đã mất vị trí thống trị thương mại quốc tế vào những năm 1800.
Ông Sullivan phân tích rằng nếu BRICS+ yêu cầu các quốc gia trên thế giới sử dụng đồng tiền của các nước thành viên khối để giao thương, vai trò của đồng USD cũng sẽ đi xuống. Mặc dù không có đồng tiền nào thay hẳn vị thế đồng tiền dự trữ của USD, nhưng nhiều loại tiền tệ khác sẽ dần nâng tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác lập luận rằng vai trò hàng đầu của đồng USD trong dự trữ và giao dịch có thể còn duy trì trong thời gian dài. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, đồng bạc xanh vẫn sẽ đánh bại các đồng tiền khác trong thương mại quốc tế và dự trữ của ngân hàng trung ương với tỷ lệ chênh lệch lớn.
Theo MI