Các loại gỗ khai thác bền vững từ Bristish Columbia, Canada như linh sam Douglas, độc cần bờ Tây được Canadian Wood giới thiệu đến các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt.
Các nhà sản xuất nội thất, đơn vị chế tác có thể tìm hiểu các chủng loại gỗ này thông qua chương trình “Hãy dùng thử gỗ Canada” do Canadian Wood tổ chức. Đây là chương trình cung cấp số lượng nhỏ gỗ với mục đích thử nghiệm, từ đó, các nhà sản xuất có thể hiểu hơn về các đặc tính và khả năng gia công của gỗ Canada.
Linh sam Douglas và độc cần bờ Tây từ Canada vốn được nhiều công ty nội thất ứng dụng vào quy trình sản xuất. Đây là hai trong số các loài cây được trồng nhiều nhất ở phía British Columbia (B.C.), hội tụ những đặc tính về độ bền, giá trị kinh tế, khả năng thiết kế linh hoạt gần giống với những chủng loại gỗ cứng thông thường tại Việt Nam.
Theo ông Vince Trần – Giám đốc Quốc gia Canadian Wood Việt Nam, nhờ tính linh hoạt về chủng loại, kích thước và các cấp độ của gỗ Canada, các nhà sản xuất thường đạt được diện mạo mong muốn và điểm cân bằng vốn với chi phí thấp hơn so với giá thành hiện tại. Trung bình, gỗ Canada như linh sam Douglas và độc cần bờ Tây có thể rẻ hơn từ 30% đến 35% so với các loại gỗ cứng tương đương.
Tuy các chủng loại cây tại tỉnh bang British Columbia không cứng bằng các loại thông dụng tại Việt Nam, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu ứng dụng nhờ tỉ lệ sức bền trên trọng lượng cao, khả năng gia công tốt, trọng lượng nhẹ. Các đặc tính này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất muốn tạo sản phẩm nhẹ, linh hoạt hơn. Mật độ thấp hơn của các loài cây British Columbia cho phép nhà sản xuất tạo ra các khối gỗ lớn với trọng lượng nhẹ hơn so với gỗ cứng truyền thống.
Linh sam Douglas có hai loại: duyên hải và núi. Linh sam Douglas duyên hải có thân lớn hơn. Gỗ từ vùng duyên hải thường có màu sáng và vân gỗ đồng nhất hơn so với trồng trên núi. Đại diện Canadian Wood Việt Nam giải thích loài cây này có diện mạo, màu sắc và vân gỗ mịn độc đáo, không loại gỗ nào sánh bằng. Với diện mạo sang trong, phong phú, Linh sam Douglas có thể thu hút những người tiêu dùng có tiêu chuẩn khắt khe. Loại cây này cũng có ưu điểm về sức mạnh và khả năng gia công bằng máy tốt. Gỗ khô nhanh, giảm thiểu tình trạng thay đổi kích thước và ít có xu hướng nứt vỡ.
Độc cần bờ Tây mềm, dễ cưa, dễ bào và chà nhám hơn gỗ cứng truyền thống. Loại gỗ này có thể đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giảm thiệt hại hao mòn thiết bị. Các nhà chế tác có thể đạt được các lớp hoàn thiện đa dạng tương đương với gỗ cứng, bao gồm cả lớp hoàn thiện với độ mịn tựa như lụa. Độc cần bờ Tây phù hợp với việc tạo khuôn và chế tác đồ nội thất như cửa, sàn nhà, trần treo, thang cùng nhiều ứng dụng khác.
Xét về độ cứng, cả hai chủng loại được đánh giá ngang với các loại như Teak – một loại gỗ cứng nhiệt đới phổ biến trong các đồn điền độc canh trên khắp các vùng của châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Trong khi đó, Linh sam Douglas và độc cần bờ Tây được khai thác từ các khu rừng tự nhiên, đa dạng sinh học trên đất công, tuân thủ quy định của luật pháp, quy định về môi trường nhằm thực thi các biện pháp bảo tồn, tái tạo rừng liên tục.
Ông Vince nhấn mạnh đến các hoạt động quản lý rừng bền vững và chứng nhận nổi tiếng thế giới của Canada đảm bảo các sản phẩm gỗ hợp pháp và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về lựa chọn xanh, bền vững.
Đại diện Canadian Wood khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất Việt để tìm hiểu rõ hơn về thiết kế, màu sắc, tiêu chuẩn thẩm mỹ. Sau đó, đơn vị đưa ra tư vấn, giúp cho đội ngũ chế tác hiểu về các các cân nhắc kỹ thuật khi sử dụng gỗ Canada. Canadian Wood Việt Nam cũng hỗ trợ các đối tác tạo những sản phẩm mẫu nhằm so sánh trực tiếp với các loại gỗ cứng khác, từ đó đưa ra đánh giá chính xác hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ cân nhắc gỗ mềm như một vật liệu thay thế với giá thành phải chăng hơn so với các chủng loại gỗ đắt tiền hoặc khan hiếm nguồn cung mà họ đang sử dụng”, ông Vince Trần nói.
Theo các số liệu, Việt Nam hiện nay là một trong những trung tâm sản xuất đồ nội thất có tiềm lực trên toàn cầu. Nước ta xếp ở vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gỗ nội thất, sau Trung Quốc. Việc tạo điểm nhấn khác biệt cho thương hiệu ngày càng được chú trọng trong bối cảnh thị trường phát triển nhanh, dự kiến đạt tới hơn 780 tỷ USD vào năm 2030, theo SNRD Asia.
Hoài Phương