Nhiều người cho rằng tắm có thể khiến bệnh tình của F0 nặng lên, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có đúng không? Hãy xem chuyên gia nói gì.
Chị Nguyễn Hồng H. trú tại TP.HCM, không thể nào quên được hình ảnh chồng chị ngã quỵ khi tắm dù đã âm tính với Covid-19 được 1 ngày. Vào tháng 10/2021, cả nhà chị nhiễm Covid-19 theo dõi tại nhà. Lúc đó, hai vợ chồng chị đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Suốt 5 ngày đầu, chị H. chỉ có cảm giác sốt, ho, đau họng. Chồng chị sốt rất cao. Đến ngày thứ 5, anh mới hạ sốt. Vì sốt nên người anh nhiều mồ hôi, dính bết khó chịu. Đến ngày hôm sau thì anh khỏe hơn nên tranh thủ đi tắm. Sau khi tắm xong, vừa bước chân ra ngoài thì anh đã ngã quỵ như trúng gió, sau đó người sốt cao.
Chị H. vội vàng gọi xe cấp cứu cho chồng đi cấp cứu tại BV dã chiến. Khi vào tới bệnh viện, chị H. cũng gặp nhiều người đã khỏe, âm tính nhưng sau khi tắm đã mệt trở lại.
Chị Cao Thùy D., tại Hà Nội, cũng chia sẻ chị nhiễm Covid-19 ngày thứ 4 đã hết sốt, cơ thể đã cảm thấy khỏe hơn và chỉ còn mất khứu giác. Sau nhiều ngày bị sốt và tiến hành xông, chị rất khó chịu nên đã đi tắm gội.
F0 theo dõi tại nhà.
Sau khi tắm gội xong vào buổi chiều thì đến tối chị D. sốt lại rất cao, nhiệt độ cơ thể lên tới 39.5 độ C, trong khi ở giai đoạn cấp tính Covid-19 chị chỉ sốt 39 độ C. Khi đó, chị hỏi bác sĩ đang theo dõi từ xa cho mình mới biết chị bị cảm lạnh vì đi tắm sai cách.
Mắc COVID-19 có nên tắm?
TS BS Quan Thế Dân – người từng tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương năm 2021, cho biết trong y học cổ truyền, khi ốm đau mà đi tắm sẽ gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập. Đã có nhiều trường hợp đi tắm gây cảm hàn rồi tử vong, từ đó sinh ra quan niệm “người ốm phải kiêng nước”.
Điều này cũng có cơ sở khoa học. Khi một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém thì tắm nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm bệnh nặng thêm, thậm chí là tử vong. Thế nên khi đang mắc bệnh, mọi người tuyệt đối không tắm nước quá lạnh để “rèn luyện cơ thể”, hoặc tắm quá nóng để “diệt mầm bệnh”.
Còn y học hiện đại không kiêng tắm. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trước mổ cần được tắm và sát trùng toàn thân để giảm nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức nếu được lau rửa toàn thân bằng dung dịch sát khuẩn, thay quần áo, thay ga giường thường xuyên sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm số ngày nằm ở phòng ICU.
Tắm, gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện, khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.
Để tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim, gan, thận nặng không được tắm. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, tắm ở nơi kín gió, sau khi tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.
Với người mắc Covid-19, BS Dân cho rằng bệnh nhân nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người. Sau khi tắm xong người bệnh sẽ thấy rất sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe. Người suy nhược nặng, người huyết áp thấp, hoặc người đang mắc các bệnh tim, gan, thận nặng không nên tắm mà dùng biện pháp tắm khô: lau người nhanh rồi thay quần áo.
Ngoài ra, F0 cần lưu ý:
– Cơ thể có thể có triệu chứng đau nhức và mệt mỏi, các biểu hiện này không nguy hại đến sức khoẻ.
– Không hoảng sợ, phải để dành oxy cho tim gan thận não…
– Không uống thuốc bừa bãi nếu không có chỉ định của bác sĩ. Chỉ uống hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5 độ.