Bốn năng lực này là biểu hiện rõ nét của món quà thiên phú mà chúng ta được ban tặng.
Bốn thành phần của bản chất con người gồm có thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Tương ứng với bốn thuộc tính này là bốn năng lực (hay sức mạnh) của con người mà tất cả chúng ta đều có: năng lực thể chất (PQ – Physical Quotient), năng lực trí tuệ (IQ – Intelligent Quotient), năng lực tình cảm (EQ – Emotional Quotient), và năng lực tinh thần (SQ – Spiritual Quotient). Bốn năng lực này là biểu hiện rõ nét của món quà thiên phú mà chúng ta được ban tặng.
Năng lực trí tuệ (IQ – Intelligent Quotient)
Khi nói đến trí tuệ, chúng ta thường nghĩ đến sự thông minh thể hiện qua chỉ số thông minh IQ, tức khả năng phân tích, lập luận, tư duy trừu tượng, sử dụng ngôn ngữ, sức tưởng tượng và khả năng lĩnh hội của chúng ta. Thật ra, đây chỉ là sự mô tả hạn hẹp về trí tuệ con người.
Năng lực thể chất (PQ – Physical Quotient)
Năng lực thể chất là khả năng mà tất cả chúng ta đều nhận ra nhưng thường xem nhẹ. Hãy thử nghĩ về những gì cơ thể bạn đang thực hiện mà không cần đến sự cố gắng có ý thức nào của bạn. Cơ thể vận hành hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và nhiều bộ phận quan trọng khác bên trong con người bạn. Nó không ngừng sàng lọc, tiêu diệt những tế bào nhiễm bệnh và đấu tranh sinh tồn.
Các bác sĩ là những người đầu tiên nhận ra khả năng tự chữa bệnh của cơ thể. Các loại thuốc chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tự chữa trị hoặc loại bỏ những chướng ngại, nhưng đôi khi thuốc cũng có thể gây một vài tác dụng ngược với khả năng thể chất.
Làm thế nào để cơ thể cân bằng và hòa hợp chức năng của não bộ, nơi chứa đựng trí tuệ, với chức năng của tim, nơi đặc trưng cho khả năng tình cảm? Cơ thể chúng ta là một bộ máy kỳ diệu vượt trội hơn mọi chiếc máy vi tính hiện đại nhất. Đó là khả năng chúng ta hành động dựa vào suy nghĩ và tình cảm. Chính vì thế, khả năng làm ra sản phẩm là sức mạnh vô song của con người so với mọi loài vật trên trái đất.
Các cuộc thực nghiệm khoa học ngày càng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa thể xác (thể chất), trí tuệ (tư duy) và tâm hồn (tình cảm) con người.
Năng lực xúc cảm (EQ – Emotional Quotient)
Năng lực xúc cảm là vốn kiến thức tự có, sự tự ý thức, sự nhạy cảm xã hội, sự thấu cảm và khả năng giao tiếp thành công với người khác. Đó là ý thức về sự thích hợp giữa thời gian, quan hệ xã hội và sự dũng cảm thừa nhận điểm yếu để bày tỏ và tôn trọng sự khác biệt.
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, EQ là một đề tài nóng bỏng. Lúc bấy giờ EQ được mô tả như một khả năng của bán cầu não phải, để phân biệt với khả năng của bán cầu não trái. Bán cầu não trái được xem là thiên về khả năng phân tích, nơi chứa đựng tư duy tuyến tính, ngôn ngữ, lập luận và lô-gic; bán cầu não phải thì lại mang tính sáng tạo hơn, là nơi chứa đựng khả năng trực giác, cảm giác và tổng hợp.
Điểm then chốt là phải coi trọng cả hai bán cầu não này và biết chọn lựa để vận dụng tốt những khả năng đặc biệt của chúng. Kết hợp tư duy và tình cảm sẽ tạo ra sự cân bằng, sự phán xét và đầu óc trở nên sáng suốt hơn.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho rằng về lâu dài, năng lực xúc cảm là yếu tố quyết định sự thành công trong giao tiếp, trong mối quan hệ và khả năng lãnh đạo hơn nhiều so với năng lực trí tuệ. Daniel Goleman, tác giả và chuyên gia về năng lực xúc cảm nói:
“Để vượt trội trong mọi công việc, trong mọi lĩnh vực thì năng lực xúc cảm quan trọng gấp đôi so với mọi khả năng nhận thức đơn thuần. Đối với những người ở cương vị lãnh đạo thì năng lực xúc cảm hầu như chiếm lợi thế hoàn toàn…
Các số liệu thống kê cho thấy năng lực xúc cảm chiếm 2/3 hoặc cao hơn thế trong các yếu tố tạo ra những thành tích nổi trội. Người ta cho rằng tìm ra người có khả năng này hay bồi dưỡng khả năng này trong các nhân viên hiện hữu sẽ đưa đến thành công lớn cho một tổ chức. Trong những công việc đơn giản chẳng hạn như công nhân vận hành máy hoặc thư ký, thì 1% những người có chỉ số EQ cao là những người làm việc có năng suất cao gấp ba lần (xét về mặt giá trị kết quả công việc của họ).
Đối với những công việc tương đối phức tạp hơn, chẳng hạn như nhân viên bán hàng, hoặc thợ máy, thì những người có chỉ số EQ cao nhất là những người hoạt động với năng suất cao gấp mười hai lần so với những người bình thường.”
Lý thuyết về năng lực xúc cảm đang làm hoang mang những ai luôn gắn chiến lược thành công của mình thuần túy dựa vào trí tuệ (IQ). Ví dụ, một người có chỉ số IQ 10/10 nhưng có chỉ số EQ là 2/10. Anh ta sẽ làm thế nào để có mối quan hệ tốt với người khác?
Anh ta có thể bù đắp khiếm khuyết này bằng cách hoàn toàn dựa vào trí tuệ của mình và vay mượn sức mạnh từ chức vụ địa vị của mình. Nhưng nếu làm như thế, anh ta sẽ càng làm trầm trọng hơn điểm yếu của mình và điểm yếu của cả người khác trong mối quan hệ tương tác. Tất nhiên sau đó họ sẽ tìm cách hợp lý hóa hành vi của mình một cách thông minh.
Xây dựng và phát triển năng lực xúc cảm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các bậc cha mẹ và các nhà lãnh đạo ở mọi cấp trong các tổ chức.
Năng lực tinh thần (SQ – Spiritual Quotient)
Năng lực thứ tư của con người là năng lực tinh thần. Cũng giống như năng lực xúc cảm, SQ đang trở thành một đề tài chính được nhiều người quan tâm trong nghiên cứu khoa học và các cuộc tranh luận triết học và tâm lý.
SQ là trọng tâm và là yếu tố cơ bản nhất trong mọi khả năng của con người bởi nó chính là nguồn gốc định hướng cho ba năng lực còn lại. Năng lực tinh thần biểu thị sự khao khát tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự liên hệ của chúng ta với vĩnh hằng.
Richard Wolman, tác giả cuốn Suy nghĩ bằng tâm hồn của bạn (Thinking with Your Soul), đã nói về “tinh thần” như sau:
“Theo tôi tinh thần là cuộc tìm kiếm của con người từ thời cổ đại và mãi mãi về sau vẫn khó mà thay đổi, nhằm tìm ra mối liên hệ với cái lớn hơn, đáng tin cậy hơn so với bản ngã của chúng ta – với tâm hồn của chính mình và của người khác, với các thời kỳ lịch sử và tự nhiên, với những làn gió tinh thần không thể chia cắt và với sự bí ẩn của sự sống.”
Năng lực tinh thần giúp chúng ta nhận ra những nguyên tắc đích thực, một bộ phận của lương tâm chúng ta giống như một chiếc la bàn, một vật thể tượng trưng rất chính xác cho các nguyên tắc, bởi nó luôn luôn chỉ hướng Bắc. Vấn đề cốt lõi để duy trì năng lực tinh thần ở mức cao là không ngừng tuân theo các quy tắc “kim chỉ nam”.
Bạn hãy đọc đoạn trích sau đây của tác giả Danah Zohar và Ian Marshall trong quyển SQ: Kết nối với năng lực tinh thần của chúng ta:
“Khác với IQ, một năng lực có thể “cài đặt” vào các máy vi tính; khác với EQ, năng lực hiện hữu ở các loài động vật có vú cấp cao, SQ chỉ tồn tại duy nhất ở con người và là nền tảng cho ba khả năng còn lại. SQ gắn liền với nhu cầu của con người trong quá trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, vấn đề con người quan tâm nhất.
SQ là những gì chúng ta sử dụng để tạo ra niềm khát khao và khả năng tìm kiếm ý nghĩa, tầm nhìn và giá trị của cuộc sống. SQ giúp chúng ta biết mơ ước và phấn đấu. Nó vừa củng cố cho niềm tin, vừa đặt niềm tin và có giá trị làm cơ sở cho chúng ta hành động. Về thực chất, nó chính là yếu tố tạo nên con người chúng ta.”