Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Nhiều bệnh nhân khi mắc đái tháo đường đã kiêng khem thái quá dẫn đến nhiều biến chứng.
Đột quỵ vì đái tháo đường
Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), đến năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 425 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và ước tính đến năm 2045, con số này sẽ là 629 triệu. Đái tháo đường là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến các biến chứng về bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận,…
Bệnh nhân đái tháo đường ngày càng trẻ hóa và đặc biệt ở nước ta đã ghi nhận có trường hợp bệnh nhân 8, 9 tuổi đã bị đái tháo đường tuyp 2.
Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do tình trạng dinh dưỡng dư thừa, thói quen ít vận động, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, dẫn đến béo phì.
Thử đường huyết lúc đói không kiểm soát được đường huyết.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhập viện khi mắc đái tháo đường tuyp 2 vì sợ đường huyết tăng, người bệnh kiêng khem thái quá dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị L. 54 tuổi, Long An được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược cấp cứu trong tình trạng nói đớ, hơi liệt nửa người, tiểu không tự chủ. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ thể nhẹ do biến chứng của đái tháo đường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do bà L. sau khi phát hiện bị đái tháo đường tuyp 2 bà sợ quá nên chuyển qua ăn kiêng khem. Bà bỏ không ăn cơm mà chuyển qua ăn các thực phẩm khác như ăn khoai, ăn bánh mì, ăn miến và bà thử đường máu lúc đói thấy ở chỉ số an toàn.
Các bác sĩ cho biết bà L. mắc sai lầm mà rất nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường mắc phải đó là nhịn cơm, thử đường máu lúc đói.
Có những trường hợp đường huyết lúc đói trong mức bình thường, người bệnh cứ nghĩ rằng tình trạng bệnh đái tháo đường được điều trị ổn định. Tuy nhiên, khi bác sĩ kiểm tra đường huyết buổi trưa, buổi chiều hoặc sau ăn thì thấy rất cao và nếu để lâu sẽ bị biến chứng.
Nhiều sai lầm nghiêm trọng
TS. BS Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính, nếu kiểm soát không tốt có thể để lại nhiều biến chứng như tàn phế, thậm chí tử vong cho người bệnh.
Trên thực tế nhiều người bệnh đái tháo đường có một số hiểu nhầm về chẩn đoán và điều trị, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như hôn mê tăng đường, nhiễm trùng chân phải đoạn chi…
Bác sĩ Nam chia sẻ nhiều bệnh nhân tìm tới bác sĩ than phiền rằng “Tại sao tôi không ăn cơm hay chỉ ăn có vài muỗng cơm mà đường huyết của tôi cứ tăng cao nhiều quá?” Khi được hỏi, bệnh nhân cho biết là họ ăn thay bằng những thức ăn ngoài cơm (khoai, bắp, mì…) và nghĩ những thức ăn này không tăng đường, nên ăn thoải mái.
Trong khi đó, bác sĩ Nam nhấn mạnh nguyên tắc chung là tất cả các thức ăn là tinh bột, đường, đều làm tăng đường, do đó trong các bữa ăn chính cần phải ăn vừa đủ khẩu phần chất bột, tránh ăn thừa tinh bột gây ra đường huyết cao. Nếu ăn thêm loại tinh bột khác (ví dụ như khoai, bắp) thì cần giảm bớt cơm thì mới kiểm soát được đường huyết.
Bỏ tinh bột ra khỏi thực đơn
Thậm chí có bệnh nhân không ăn cơm, bột mì các loại tinh bột khác. Bác sĩ Nam nhấn mạnh đây thực sự là một sai lầm nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Đây là tâm lý chung do bệnh nhân đái tháo đường do quá sợ hãi tinh bột làm tăng đường, do đó bỏ hẳn không ăn với mục đích giảm đường huyết và giảm cân.
Trong khi đó, cũng như người không đái tháo đường, để cung cấp đủ chất cho cơ thể hoạt động thì một bữa ăn của người bệnh đái tháo đường cũng phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, đạm và chất béo… Việc mất cân đối một thành phần nào đều không có lợi cho sức khỏe.
Chất bột là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cung cấp cho cơ thể hoạt động, nếu bỏ hẳn chất bột cũng không phải là chế độ dinh dưỡng phù hợp.