Khác với phong cách đầu tư lướt sóng bất động sản của đại đa số người bây giờ, bằng tư duy đầu tư dài hạn, không ít người đã hái được quả ngọt sau nhiều năm với tiền lãi đến vài chục lần.
Xưa tới nay, bất động sản là kênh đầu tư tương đối an toàn và đổi đời nhờ bất động sản dường như đã trở thành chân lý không chỉ của các nhà đầu tư, mà ngay cả với người dân bình thường. Tuy nhiên, không lựa chọn lướt sóng nhặt tiền lẻ như đại đa số người hiện nay. Một số người chọn cách đầu tư dài hạn, để nhiều năm sau đó hái quả ngọt, thậm chí lãi lên đến vài chục lần so với số tiền đã bỏ ra.
Năm 2010, ông Nguyễn Quý ( Ý Yên, Nam Định, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đã bỏ ra 100 triệu đồng để mua một mảnh đất diện tích 160m2, sát mặt đường tỉnh lộ 64 (hiện nay là Quốc lộ 37B).
Nhớ lại ngày ấy, ông kể: “Cả gia đình tiết kiệm được một chút, tôi mạnh dạn về quê tìm đất. Khi đó, bạn bè và nhiều người bảo tôi sao không mua đất ở Hà Nội, mua đất ở quê biết bán được cho ai, thà gửi tiết kiệm ngân hàng còn hơn. Nhưng thời gian đó đất ở Hà Nội ít nhất cũng tiền tỷ còn đất quê có vài trăm triệu đồng/lô. Tôi thích mua đất quê vì số tiền này tôi cũng động đến nên mua cứ bỏ đấy, lúc đấy không có giá trị gì nhiều nhưng sau này có khi lại thành của hiếm”.
Rồi cứ thế, làm được bao nhiêu, ông Quý gom được một món là lại về quê tìm mua đất. Đến năm 2015, trong tay ông đã có tới 4 mảnh đất, đều nằm sát đường lớn.
Năm 2018, với việc nâng cấp hạ tầng tại khu vực Quốc lộ 37B cũng như việc kiến thiết hệ thống trường học xung quanh, mảnh đất 160m2 của ông Quý được trả giá lên tới 800 triệu đồng. Thời điểm đó, ông vẫn không bán và quyết định đợi tăng giá thêm khi khu vực xung quanh hoàn thiện hạ tầng.
Đến năm 2021, cơn sốt đất bao trùm toàn thị trường, Nam Định cũng không ngoại lệ, các mảnh đất của ông Quý khi đó đều đã tăng từ 15 – 20 lần so với thời điểm xuống tiền.
“Mảnh đất 160m2 mà tôi mua năm 2010 khi đó được trả tới 2 tỷ đồng, tức tăng gấp 20 lần nhưng tôi vẫn không bán”, ông Quý nói.
Đến đầu năm 2022, mảnh đất của ông Quý được trả lên tới 2,8 tỷ đồng. Tận dụng lúc cơn sốt vẫn điên cuồng nên ông đã gật đầu bán, lãi gấp 28 lần so với thời điểm mua.
“Tôi bán rồi tìm mảnh đất ở những khu vực tương tự và chưa có biến động giá nhiều để mua. Bây giờ tôi còn 3 mảnh nữa cũng đều tăng từ 17 – 22 lần, giờ bán đi cũng không để làm gì nên tôi cứ để đấy. Sau này không cần tới tiền làm gì thì tôi để cho các con”, ông Quý nói.
Tương tự ông Quý, anh Thái Tài (quê Hưng Yên, hiện đang sống tại Hà Nội) chia sẻ, trước tới nay, cứ tiết kiệm được bao nhiêu tiền anh đều mang về Hưng Yên mua đất để tích sản.
“Tôi buôn bán kinh doanh ở Hà Nội, công việc cũng gọi là tạm ổn nhưng để chắc chắn giữ được tiền tôi cứ có bao nhiêu cũng mang về quê mua đất. Những năm 2011 – 2013 giá đất rẻ lắm, chỉ vài triệu đồng/m2 mà đất nằm ở sát đường lớn”, anh Tài nói.
Đến nay, trong tay anh Tài đang nắm giữ 5 lô đất, diện tích từ 150 – 200m2/lô. “Trước mỗi lô tôi mua có khoảng 200 – 300 triệu thôi, bây giờ thì lên đến 5 – 10 tỷ đồng hết rồi, tính ra đến vài chục triệu đồng/m2. Mấy năm nay đất ở Hưng Yên liên tục tăng giá mạnh, nhưng tôi không có nhu cầu bán. Vì có bán nếu mua ở đây cũng chỉ được mảnh đất tương tự nên tôi cứ để đó.
Mọi người hay nói với tôi là “buôn tài không bằng dài vốn”, tôi ngẫm cũng rất đúng. Tôi cũng không phải dân đầu tư gì đâu, cứ có tiền là mua đất và đều là tiền thật không phải đi vay”, anh Tài nói.
Anh Vũ Tùng, môi giới bất động sản lâu năm tại Hà Nội cho biết, thực tế không ít người tích góp tiền rồi mua đất để sau nhiều năm có lãi đến vài chục lần.
“Nhiều người cứ sốt đất mới đi mua, khi đó giá biến động mạnh, lướt lát cũng chỉ như đi nhặt tiền lẻ. Chẳng may thị trường cắt cơn sốt có khi phải ôm cả đống nợ, cắt lỗ đất. Nhưng những người có tiền thật, họ mua để tích sản, sau 5 – 7 năm nhìn lại đã có lãi cả chục lần, mà họ đâu từ như vậy rất nhàn, không phải mất thời gian nay mua mai bán như những người lướt sóng”, anh Tùng nói.