Theo các chuyên gia, người mắc tiểu đường cần ghi nhớ rằng muốn kéo dài tuổi thọ thì phải ăn đủ nhưng phải đúng.
Với sự phát triển của xã hội và nâng cao mức sống, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) ngày một tăng cao. Bệnh nhân tiểu đường từ khi phát hiện bệnh đồng nghĩa với việc phải sống chung với nó cả đời. Tuy nhiên mức độ nặng nhẹ của bệnh ở mỗi người lại không giống nhau.
Một trong những điều làm nên sự khác biệt, quyết định tuổi thọ của bệnh nhân tiểu đường là kiểm soát chế độ ăn uống. Những món nên và không nên ăn không còn quá xa lạ đối với người bị tiểu đường. Tuy nhiên, phải ăn như thế nào để kiểm soát đường huyết và tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Ăn uống đúng, vận động đủ để điều trị bệnh tiểu đường
Bác sĩ Lý Diễm là Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) cho biết việc ăn uống và vận động là hai yếu tố then chốt để điều trị bệnh tiểu đường. Nếu bạn vô tình ăn nhầm thực phẩm hoặc ăn quá lượng thức ăn cho phép, lượng đường trong máu sẽ trở nên bất thường và làm bệnh trầm trọng hơn.
Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, chúng ta nên ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu.
Tuy nhiên kiểm soát chế độ ăn không có nghĩa là phải nhịn ăn, ăn kiêng hà khắc. Trong biểu đồ hình tháp cho chế độ ăn uống lành mạnh, thực phẩm cần bổ sung nhiều nhất là chất xơ từ rau củ, tiếp đến là thịt, trứng, sữa và các chất đạm khác.
Thực phẩm cần tiêu thụ ít nhất là dầu mỡ. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường cần lựa chọn những thực phẩm có chỉ số tinh bột thấp, tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm chiên rán. Những người mắc bệnh không nên nhịn ăn mù quáng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cơ thể.
Bên cạnh việc cân đối chế độ ăn thì bệnh nhân đái tháo đường cũng cần lưu ý đến thứ tự ăn uống. Việc ăn món nào trước, món nào sau cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đường huyết. Để bảo vệ cơ thể, mỗi người cần ghi nhớ thứ tự như sau:
Tháp dinh dưỡng. Hình ảnh: Internet
Thứ tự ăn uống đúng dành cho bệnh nhân tiểu đường
1. Ăn thịt cá và rau trước, sau đó ăn tinh bột
Thứ tự trong bữa ăn cũng vô cùng quan trọng. Muốn kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bác sĩ Lý Diễm khuyên bạn nên thực hiện cách ăn “ngược chiều”.
Thông thường, chúng ta thường ăn cơm kèm với thức ăn và rau xanh cùng một lúc. Tinh bột từ cơm sẽ khiến đường huyết tăng rất nhanh.
Theo bác sĩ Lý Diễm, người bệnh tiểu đường nên uống nước canh trước, rồi đến rau và thịt (vitamin và protein) và cuối cùng mới tới cơm (tinh bột).
Kết luận này được hỗ trợ bởi nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ. Trong nghiên cứu này, nhóm người đầu tiên triển khai việc ăn tinh bộtvà sau đó là thịt và rau, và nhóm thứ hai ăn thịt và rau trước và sau đó là tinh bột.
Kết quả là: Nhóm 1 (ăn tinh bột trước) có nồng độ glucose và insulin trong máu tăng nhanh sau bữa ăn, trong khi nhóm 2 (ăn tinh bột cuối bữa ăn) có mức đường huyết và insulin không tăng đáng kể sau bữa ăn.
Bác sĩ giải thích rằng sự khác biệt đó là do thứ tự ăn. Đối với người có lượng đường trong máu cao nên ăn thịt và rau trước tiên. Những thực phẩm này được đưa vào ruột non và lấp đầy ruột non, giảm cảm giác đói và thèm ăn. Sau đó, tinh bột đi vào ruột non và làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate. Điều này giúp cơ thể cải thiện tốc độ tăng đường huyết sau bữa ăn.
2. Ăn nhiều chất xơ
Một chế độ ăn uống lành mạnh cần đảm bảo đủ lượng chất xơ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành nổi tiếng The Lancet năm 2019 cho thấy khi chúng ta tiêu thụ 25-29g chất xơ hàng ngày, nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, ung thư đại trực tràng và tử vong.
Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều chất xơ. Hình ảnh: Internet
Bác sĩ Lý giới thiệu rằng chất xơ dễ hấp thụ, không chỉ có thể làm tăng cảm giác no, giúp giảm cân mà còn ngăn ngừa táo bón. Một chế độ ăn giàu chất xơ có thể cải thiện lượng đường trong máu bằng cách thay đổi vi khuẩn đường ruột của bệnh nhân tiểu đường để thúc đẩy quá trình lên men carbohydrate.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường cũng nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn ít mỗi bữa, và khi ăn thì phải nhai kỹ. Bạn cũng nên hạn chế các bữa ăn vặt hoặc thay thế bằng các thực phẩm từ hạt. Chúng chứa nhiều vitamin và axit béo không no, rất có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh, chúng ta khó đi ra ngoài luyện tập thì hãy thay thế bằng việc vận động trong nhà như đi bộ tại chỗ, tập yoga…Bác sĩ Lý Diễm khuyên bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục tối thiểu 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải. Nếu bạn còn trẻ, không có các bệnh nghiêm trọng thì nên tập khoảng 90 phút với cường độ cao và 30-60 phút với các hoạt động rèn luyện sức bền.
Cuối cùng, bác sĩ nhấn mạnh thêm hai điểm: Một là bệnh nhân tiểu đường nên tránh uống rượu càng nhiều càng tốt, hai là kiên trì thực hiện các quy tắc trên, sức khỏe của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo People