Đối với nhiều học sinh giỏi, điểm số là dấu hiệu của sự thành công. Trong khi đó, học sinh kém lại không quan tâm đến thành tích ở trường, họ có cách khác để chứng minh bản thân.
Nhiều bậc cha mẹ cố gắng thuyết phục con cái mình rằng điểm số ở trường thực sự quan trọng. Khi con họ bị điểm kém, họ mắng mỏ và bắt chúng học hành chăm chỉ hơn. Nhưng trong cuộc sống thực, thường thì điểm số ở trường không quan trọng đến thế. Đã bao nhiêu lần bạn nghe nói về những đứa trẻ học hành ở trường không quá tốt nhưng sau đó lại phụ trách những vị trí tuyệt vời ở các tập đoàn lớn với mức lương trên trời?
Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và cố gắng trả lời câu hỏi tại sao những học sinh kém thường trở nên thành công hơn những học sinh giỏi. Và đây là lý do!
Họ không quan tâm đến điểm số
Đối với nhiều học sinh giỏi, điểm số là dấu hiệu của sự thành công: nếu họ đạt điểm cao, điều này có nghĩa là họ đã đạt được điều gì đó. Tuy nhiên, tất cả các điểm số đều mang tính chủ quan và chúng không chỉ phụ thuộc vào chất lượng kiến thức mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, chẳng hạn như giáo viên và tâm trạng của họ.
Học sinh kém không cần điểm số để chứng minh rằng họ thành công. Khi theo đuổi mục tiêu của mình, họ không tìm kiếm sự đánh giá cao của người khác, họ quan tâm nhiều hơn đến mức độ hài lòng của họ với những gì họ đã làm.
Họ không cần vất vả xây dựng hình tượng
Đối với những học sinh giỏi, việc tạo ấn tượng tốt với giáo viên thường rất quan trọng. Đây là lý do tại sao họ cố gắng hoạt động tích cực, ngay cả khi họ không quan tâm đến một chủ đề nào đó. Trong khi đó, học sinh cá biệt không cố gắng gây ấn tượng với bất kỳ ai. Mặc dù họ tôn trọng giáo viên, nhưng họ không làm những điều họ không muốn làm.
Sự có chủ kiến này thường sẽ còn kéo dài đến khi đi làm và trở thành mô phạm cho việc tương tác với sếp.
Họ không làm mọi thứ một mình
Nhiều học sinh giỏi tuân theo quy tắc: “Nếu bạn muốn làm xong việc gì đó, hãy tự mình làm lấy”. Điều này là do họ đã quen với việc tự mình kiểm soát mọi thứ. Trong khi đó, học sinh cá biệt có đôi khi sẽ nhờ vả người khác để đạt được điều mình muốn.
Khi trưởng thành, mọi người cũng tuân theo những khuôn mẫu này: trong khi một số người tự vắt kiệt sức mình bằng cách làm nhiều hơn khả năng thực tế, những người khác lại ủy thác nhiệm vụ của họ cho những người khác.
Họ cho phép mình không hoàn hảo
Một số người tuân theo quy tắc: “Đã làm thì phải làm cho tốt nhất, còn không thì thà không làm ngay từ đầu”. Sống như vậy rất mệt mỏi, bởi đơn giản là bạn không thể thành công trong mọi việc. Kết quả là có những người cứ chôn vùi cuộc đời mình với một công việc bế tắc, cố gắng làm việc miệt mài ngày qua ngày chỉ để chứng minh mình sẽ làm được tốt nhất trong khi đó không thực sự là thứ mà họ mong muốn.
Một ví dụ cụ thể: “Tôi đang học tại một trường nghệ thuật và có một cậu bé ở đó. Cậu ấy khá tài năng nhưng học văn hóa lại hơi kém. Dẫu vậy, điều đó không thể ngăn cậu ấy trở thành một trong những nghệ sĩ graffiti giỏi nhất trong nước. Bây giờ, cậu ấy rất thành công, thường hợp tác với nhiều người nổi tiếng trên khắp thế giới. Nếu cậu ấy là người cầu toàn và sống chết chỉ quan tâm đến điểm số của mình, có lẽ tài năng của cậu ấy đã không thể bị phát hiện”.
Họ không ép mình làm mọi thứ
Học sinh cá biệt không bao giờ ép mình làm những việc bản thân không hứng thú, nhất là những việc họ cho là vô nghĩa. Thay vào đó, họ tập trung vào những điều họ thực sự quan tâm. Ngược lại, học sinh giỏi lại chọn tiếp tục học mọi thứ chỉ để trở thành một học sinh giỏi để rồi sau đó, họ phát hiện ra mình đã lãng phí rất nhiều thời gian cho những mối quan hệ tồi tệ và những công việc bế tắc.
Họ có những việc khác để làm ngoài bài tập về nhà
Học sinh cá biệt sử dụng thời gian rảnh rỗi theo cách họ muốn: đọc sách, chơi thể thao, chơi nhạc, khiêu vũ hoặc chơi với những đứa trẻ khác.
Theo các chuyên gia tâm lý, những học sinh hạng A thường khó thư giãn vì họ luôn căng thẳng không chỉ về tinh thần mà còn về tâm lý. Thật không may, vấn đề này vẫn tồn tại với họ ngay cả khi họ lớn lên: họ thường cảm thấy lo lắng vì sợ không đáp ứng được kỳ vọng của người khác.
Họ không sợ thất bại
Có những người không dám đối mặt với thất bại. Họ coi những sai lầm dù là nhỏ nhất cũng là những vấn đề lớn. Học sinh cá biệt đã quen với việc bị điểm kém và bị phê bình. Đối với họ, điểm kém (thất bại) không phải là ngày tận thế. Trong cuộc sống thực, họ đối phó với căng thẳng tốt hơn nhiều và dễ dàng đứng dậy hơn sau khi phạm sai lầm.
Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro
Những người không thành công ở trường luôn phải thích nghi với các tình huống. Họ cho phép mình mơ ước và không sống theo kế hoạch của cha mẹ họ dành cho họ. Đó là lý do hiện tại họ cũng biết cách đối phó với những sai lầm của mình hơn.
Nếu họ muốn bỏ học đại học, thay đổi công việc hoặc chuyển đến một quốc gia khác, họ sẽ làm. Họ lắng nghe bản thân và những gì họ muốn.
Vậy còn bạn, trong lớp học của bạn ngày xưa có ai được coi là học sinh cá biệt không? Và giờ họ thế nào rồi?