Nguyên nhân nào khiến hội chứng này ngày càng phổ biến?
Hikikomori là gì?
Xu hướng cô lập xã hội đang tràn lan trên khắp nước Mỹ, nạn nhân chủ yếu là những nam giới trong độ tuổi lao động. Xu hướng này bắt nguồn từ Nhật Bản và dần trở nên phổ biến đến mức người Nhật có một cái tên riêng cho nó – Hikikomori.
Hikikomori là tình trạng một người tự cách ly chính mình, tránh xa các hoạt động xã hội, không đi làm, đi học. Họ có thể tự nhốt mình ở nhà ít nhất 6 tháng mà không tiếp xúc với người khác trừ gia đình.
Một số nhà tâm lý học đã tạo ra một định mức để phân loại Hikikomori theo tần suất một người rời khỏi nhà. Người mắc bệnh nhẹ rời khỏi nhà trung bình hai đến ba lần một tuần, mức độ vừa thì rời khỏi nhà một lần một tuần, còn người mắc bệnh nặng thì hiếm khi rời khỏi phòng. Một số trường hợp mắc hội chứng này kéo dài từ 1-4 năm, nhưng cũng có trường hợp kéo dài hơn 1 thập kỷ.
Thuật ngữ này được chính thức công nhận tại Nhật Bản vào những năm 1990 bởi Saito Tamaki. Kể từ đó, các nhà tâm lý học đã đặt ra câu hỏi liệu Hikikomori là một dạng rối loạn tâm thần hay hội chứng văn hóa. Về mặt y học thì hội chứng này không được phân loại là bệnh tâm thần, nhưng thường được chẩn đoán cùng bệnh tâm thần. Các tình trạng liên quan bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tâm trạng, rối loạn tâm thần và rối loạn nhân cách.
Khi không đi kèm bệnh tâm thần, hội chứng này được coi là Hikikomori sơ cấp, còn khi kèm theo bệnh tâm thần thì được coi là Hikikomori thứ phát. Nguyên nhân của Hikikomori vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều bác sĩ ghi nhận rằng sau khi trải qua một biến cố nào đó, người bệnh sẽ mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh, sau đó phát triển thành hikikomori.
Nguyên nhân gây nên tình trạng Hikikomori ở Mỹ
Theo nhà kinh tế chính trị Nicholas Eberstadt, xu hướng này đã lan sang Mỹ. Chris Williamson, một nhà sáng tạo nội dung người Anh đã chỉ ra một thực tế rằng có 7 triệu nam giới trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp và không muốn tìm việc làm ở Mỹ.
Ông Eberstadt cũng chỉ ra rằng nhiều người trong số họ dành phần lớn thời gian ở trong nhà, hoàn toàn xa lánh xã hội. Họ chơi trò chơi điện tử, xem nội dung khiêu dâm và sử dụng ma túy.
Nghiên cứu của các học giả tại Đại học Kyushu, Nhật Bản tiết lộ mức testosterone thấp có thể là một trong những dấu hiệu phổ biến của Hikikomori ở những người trẻ sống ẩn dật. Điều này là một minh chứng cho xu hướng Hikikomori ở Mỹ, vì mức testosterone đã giảm nhanh chóng ở nam thanh niên Mỹ trong nhiều năm.
Cứ bốn người đàn ông ở Mỹ thì có một người chịu ảnh hưởng bởi mức testosterone thấp. Testosterone thường liên quan đến hành vi xa lánh xã hội và gây hấn, tuy nhiên chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy nam giới có mức testosterone cao thường trở nên hung hăng hoặc bạo lực.
Nhưng testosterone có liên quan đến nhiều hành vi xã hội ở nam giới, mức testosterone thấp gắn liền với hội chứng sợ giao tiếp xã hội và các hành vi tránh né xã hội. Những người mắc chứng lo âu thường có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn và mức testosterone thấp thậm chí cũng giống với các triệu chứng trầm cảm.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia (Mỹ), đã xác định những cách mà hàm lượng testosterone có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, là phần não tạo ra oxytocin. Được biết đến với cái tên ‘hoocmon tình yêu’, oxytocin cũng là tác nhân trung gian gây nên hội chứng tự cô lập xã hội. Oxytocin tăng lên thì mức testosterone cũng tăng lên.
Mặc dù ban đầu các nhà tâm lý học cho rằng hikikomori nảy sinh từ các điều kiện văn hóa xã hội đặc trưng của Nhật Bản, nhưng nó đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia có bối cảnh văn hóa xã hội rất khác nhau như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nigeria, Tây Ban Nha, Canada và Mỹ. Người ta cho rằng đại dịch Covid là một trong những tác nhân khiến Hikikomori trở nên phổ biến hơn. Nghiên cứu khác chỉ ra Hikikomori cũng dễ nảy sinh trong những gia đình bất hoà.
Nhà nghiên cứu M Suwa và K Suzuki bổ sung thêm thêm Hikikomori là người muốn trốn tránh thực tại xã hội, khi có quá nhiều người kỳ vọng vào họ. Họ trở nên mệt mỏi vì phải duy trì hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác.
Cũng có nghiên cứu nhận thấy mối liên kết giữa Hikikomori với sự phát triển của mạng xã hội và internet. Internet và phương tiện truyền thông xã hội cho phép mọi người giao tiếp, kết bạn mà không cần gặp mặt trực tiếp, khiến mọi người không muốn ra khỏi nhà để tương tác xã hội.