Các hành vi của tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng phổ biến, tinh vi và khó kiểm soát hơn, gây tổn hại và đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính – tiền tệ, an ninh chính trị của các quốc gia và toàn cầu. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo về đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, thoả thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi do NHNN phối hợp cùng PwC Việt Nam tổ chức sáng 12/7.
Rủi ro tiềm ẩn về rửa tiền, tài trợ khủng bố
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, về hành lang pháp lý, hiện NHNN đang trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Về mặt thực tiễn, công tác phòng chống rửa tiền chưa bao giờ được quan tâm như thời điểm hiện nay.
“Về mặt lý thuyết, thực tiễn chúng ta đều cần phải nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác phòng chống rửa tiền”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Thống đốc gợi mở Hội thảo sẽ tập trung vào 4 nội dung chính đó là: Chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; giới thiệu về thỏa thuận pháp lý từ góc độ rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố; tiếp cận cơ sở rủi ro trong công tác quản lý rủi ro phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức quốc tế trong quản lý, giám sát rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến hoạt động pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi. Đây là những nội dung mới, quan trọng đang được đề cập trong Luật sửa đổi Phòng chống rửa tiền, cần lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm lí thuyết, thực tiễn để áp dụng phù hợp vào Việt Nam.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cũng cho rằng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố là vấn đề thời sự, được rất nhiều ngân hàng, tổ chức quan tâm.
Theo bà Vân, để xác minh về vấn đề này, quan trọng chính là xác định ai là người cuối cùng hưởng lợi đứng sau, chủ sở hữu công ty và sở hữu bao nhiêu phần trăm, thứ hai là xem họ có liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố hay không. Tại PwC, đây là yếu tố được xem xét kĩ khi làm việc với khách hàng và định kì 6 tháng một lần, công ty sẽ điều tra lại thông tin đó để xác nhận có gì thay đổi hay không.
Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, người đứng tên trên giấy tờ khác với người thực sự hưởng lợi đằng sau. Ở nước ngoài, việc thỏa thuận đứng tên này được quản lý khá chặt, nhiều nước đã có luật về điều này. Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về điều này trong khi nhiều nước hoạt động này phải yêu cầu có cấp phép. Bà Vân cho biết, PwC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này để để có thể đưa vào trong Luật một cách phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN) đã chia sẻ về vấn đề đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2019-2022.
Theo đó, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã có khuyến nghị các quốc gia cần phải xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình.
Dựa trên đánh giá đó, các quốc gia cần áp dụng phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi ro nhằm đảm bảo các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định.
Thứ hai đó là các quốc gia phải yêu cầu các tổ chức tài chính và ngành nghề phi tài chính được chỉ định xác định, đánh giá và thực hiện các hành động có hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Thực tế, Việt Nam đã thực hiện 2 lần đánh giá rủi ro quốc gia. Lần thứ nhất là tháng 12-2016 – 4 /2019với 8 nhóm làm việc. Kết quả cho thấy, ngân hàng là lĩnh vực được đánh giá có nguy cơ rửa tiền cao, mức độ dễ tổn thương về rửa tiền ở mức trung bình cao; mức độ rủi ro rủi ro rửa tiền cao. Bên cạnh đó các lĩnh vực có nguy cơ trung bình thấp như bảo hiểm, trung bình là chứng khoán, kế toán và kiểm toán được đánh giá ở mức độ cao.
Về tài trợ khủng bố, nguy cơ tài trợ khủng bố là thấp, mức độ tổn thương quốc gia về tài trợ khủng bố là thấp.
Qua triển khai lần một, nhận xét của APG cho thấy, các kết luận trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam là hợp lý dù là lần đầu tiên tiến hành đánh giá. Tuy nhiên, vẫn còn những thiếu hụt trong đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam, bao gồm các nội dung liên quan đến tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các công ty tín thác nước ngoài và một số loại tội phạm theo quy định của FATF, gồm cả tội phạm có tổ chức và hoạt động mại dâm.
Trong giai đoạn 2 được triển khai, đã có 11 nhóm làm việc được thực hiện, quan 4 giai đoạn triển khai, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2023.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền
Bà Thơ cho biết, trong Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi đang được xây dựng, sẽ thêm phần đánh giá rủi ro quốc gia và rủi ro Ngành về rửa tiền.
Theo đó, định kỳ 5 năm, NHNN sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.
Trên cơ sở đó, các bộ ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành thuộc phạm vi quản lý, phố biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về rửa tiền trong nội bộ của bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định.
Đồng thời, một nội dung nữa được đưa vào đó là đánh giá rủi ro rửa tiền tại đối tượng báo cáo. Theo đó, căn cứ kết quả đánh giá rửa tiền của quốc gia, ngành và lĩnh vực hoạt động của mình, đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền để nhận diện và các định rủi ro về rửa tiền. Kết quả này phải được cập nhật hàng năm và phải được cấp có thẩm quyền của đối tượng báo cáo phê duyệt, ban hành. Ngoài ra, đối tượng báo cáo cũng phải thực hiện phân loại khách hàng theo các mức độ rủi ro về rửa tiền…
Thông tin tại Hội thảo, ông Michael Sprake, Giám đốc PwC Malaysia cũng đã có chia sẻ về hoạt động ủy thác, thỏa thuận pháp lý liên quan đến phòng chống rửa tiền. Theo đó, ủy thác, thỏa thuận pháp lý cho phép phân tách quyền sở hữu về mặt pháp lý khỏi quyền sở hữu hưởng lợi. Điều này đang đặt ra một loạt các thách thức đối với cơ quan chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ đang tìm cách xác định chủ sở hữu hưởng lợi. Rủi ro về tội phạm tài chính do lạm dụng ủy thác cũng tăng lên đáng kể. Đây là điều cần quan tâm trong quá trình xây dựng luật về phòng chống rửa tiền.
Ông Michael Sprake khuyến nghị, cần xác định xem việc xây dựng khung pháp lý cho các thỏa thuận pháp lý xuất phát từ yêu cầu phòng chống rửa tiền hay bởi yêu cầu minh bạch về thuế hay cả hai yêu cầu trên; xác định khung pháp lý nào sẽ bị ảnh hưởng và các cơ quan chính phủ, bên liên quan nào sẽ là cơ quan chủ trì; thống nhất các định nghĩa chuẩn và xác định rõ mục tiêu của khung pháp lý, cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, khuyến khích kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật…