Mặc dù được coi là giải pháp bảo vệ điện thoại tốt nhưng trên thực tế ốp lưng không phải là giải pháp hoàn hảo. Thậm chí chúng còn khiến điện thoại bị hỏng.
Điện thoại thông minh là thiết bị điện tử đắt tiền. Có những mẫu điện thoại cao cấp như iPhone 14 hay Samsung Galaxy S23 có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Với nhiều người, điện thoại đôi khi là cả “gia tài” đắt đỏ, phải tiết kiệm rất lâu mới có thể sở hữu.
Chính vì vậy, tâm lý chung của người dùng là nâng niu điện thoại và bảo vệ bằng mọi cách. Bạn sẽ không muốn điện thoại bị hỏng, trầy xước hoặc thậm chí là bụi bẩn. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là khi sửa chữa một số điện thoại thông minh tốn tiền không khác gì mua một thiết bị mới.
Ốp lưng được coi là giải pháp bảo vệ điện thoại tốt nhất. Thậm chí, ốp lưng được coi là vật không thể thiếu đối với tất cả những ai sử dụng điện thoại.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng trên thực tế ốp lưng không phải là giải pháp hoàn hảo. Bạn có thể cân nhắc những nhược điểm sau đây trước khi sử dụng phụ kiện này.
1. Không bảo vệ 100%
Phần lớn những người mua ốp lưng cho điện thoại đều có suy nghĩ rằng phụ kiện sẽ giúp điện thoại bền hơn, sử dụng được lâu dài. Một số người sử dụng ốp để giữ điện thoại luôn mới, có giá trị bán lại cao hơn.
Tuy nhiên, ốp lưng không bảo vệ điện thoại 100%. Đôi khi, chúng thậm chí còn làm tăng khả năng khiến máy bị hỏng.
Ví dụ: nếu bụi bẩn, mảnh vụn hoặc hơi ẩm lọt vào ốp điện thoại, chúng có thể làm trầy xước hoặc gây nứt vỡ mặt lưng kính phía sau.
2. Mất tính thẩm mỹ
Các công ty điện thoại thông minh chi hàng triệu USD để mang đến thiết kế sản phẩm thẩm mỹ nhất. Họ luôn muốn sản phẩm khi ra mắt sẽ nhận được sự hài lòng của người dùng.
Từ lớp phủ kính cao cấp cho đến đường nét thiết kế độc đáo, màu sắc thay đổi theo góc nhìn và một loạt cải tiến khác, thiết kế điện thoại thông minh đã phát triển vượt bậc trong vài năm qua.
Chẳng có lý do gì bạn lại che giấu chiếc điện thoại thông minh đẹp đẽ, vốn đã mất nhiều năm thiết kế bằng chiếc ốp điện thoại một màu. Chính vì điện thoại của bạn đắt tiền, nên hãy khoe chúng trước mọi người, thay vì bao bọc thiết bị bằng lớp vỏ vô hồn chỉ vì sợ bị trầy xước.
3. Giảm tản nhiệt
Điện thoại thông minh ngày nay được tích hợp những con chip mạnh mẽ cùng khả năng chạy tác vụ đa nhiệm vượt trội. Khi sử dụng, máy sẽ tỏa ra lượng nhiệt lớn. Nếu sử dụng ốp lưng, lượng nhiệt bị nén bên trong không thoát ra ngoài sẽ gây hại cho thiết bị và gây khó chịu khi sử dụng.
Điều này càng trở nên tồi tệ nếu ốp điện thoại được làm bằng nhiều loại chất liệu hoặc quá dày. Vấn đề càng nghiêm trọng khi điện thoại tiếp xúc với các nguồn nhiệt bên ngoài (mặt trời, đèn, v.v.). Tình trạng quá nóng thường xuyên sẽ làm hỏng pin.
Không sử dụng ốp lưng sẽ giúp điện thoại tản nhiệt tốt hơn cũng như cầm nắm có cảm giác mát mẻ.
Bỏ qua vấn đề tản nhiệt và quá nhiệt, ốp lưng cũng khiến smartphone trở nên to, nặng, cồng kềnh và thiếu tự nhiên.
4. Sạc không dây kém
Công nghệ sạc không dây yêu cầu phải có tiếp xúc vật lý giữa điện thoại thông minh và đế sạc. Để sử dụng phụ kiện tiện, người dùng bắt buộc phải tháo ốp. Điều này gây ra phiền phức mỗi khi sử dụng.
Một số đế sạc không dây có thể sạc điện thoại thông minh xuyên qua ốp nhưng có một nhược điểm: thời gian sạc lâu hơn. Như đã đề cập ở trên, sạc không dây hoạt động hiệu quả khi điện thoại đặt sát đế sạc. Sự hiện diện của ốp điện thoại làm tăng khoảng cách nên sạc không được tối ưu.
Tựu chung lại, ốp lưng giúp bảo vệ điện thoại, nhưng chúng ít giá trị so với những bất lợi gây ra. Bạn không nên sử dụng thường xuyên hoặc đầu tư quá nhiều tiền để mua các mẫu ốp bảo vệ cao cấp.
Thông thường, mỗi người thường có chu kỳ đổi điện thoại trong 2-3 năm. Chính vì vậy, việc đề cao cảm giác cao cấp/tính thẩm mỹ của điện thoại khi không dùng ốp cũng là điều nên cân nhắc.
Chỉ cần tháo vỏ ốp lưng, bạn sẽ nhận thấy điện thoại của mình trở nên bóng bẩy và gọn nhẹ khi cầm trên tay. Đó chính xác là trải nghiệm mà nhà sản xuất muốn mang đến cho người dùng.
Còn nếu vì lý do nào đó mà vẫn muốn sử dụng ốp lưng thì hãy sử dụng các dạng ốp siêu mỏng. Nhưng bạn nên biết rằng điện thoại không được thiết kế theo cách để được bảo vệ bởi ốp lưng.
Các nhà sản xuất đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu sử dụng các vật liệu bảo vệ mới nhất (ví dụ: Kính cường lực Corning Gorilla Glass) để đảm bảo điện thoại ngày càng bền bỉ hơn.