Các chủ doanh nghiệp cho rằng ngân hàng đã quá khắt khe khi không cho họ vay vốn, dù biết đó là kế hoạch kinh doanh tốt, rằng ngân hàng đã làm ăn quá an toàn mà không nghĩ đến việc các doanh nghiệp nhỏ như vậy có thể đóng góp được gì cho đất nước…Nhưng thực tế cũng khó cho cả hai phía.
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Đinh Thành Trung ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———–
Trong những năm gần đây, các dịch vụ của các ngân hàng tại Việt Nam đã có bước tiến lớn, ngày càng đa dạng và hấp dẫn, ngày càng phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn.
Tóm lại là… khó vay
Tôi xin kể một câu chuyện của anh bạn tôi, vốn quản lý một doanh nghiệp nhỏ. Nói doanh nghiệp nhỏ, nhưng thực ra đó là một start up trong lĩnh vực công nghệ. Vâng, công nghệ là hướng đi mà chúng ta đang theo đuổi, nhưng đã là công nghệ thì sẽ có cái khó của nó, đó là sản phẩm khó kiểm định. Dù đã nhiều lần hỏi vay tiền từ ngân hàng nhưng anh chỉ thu được cái lắc đầu ngao ngán. Anh tâm sự với tôi: “Tôi chỉ bổ sung chút vốn lưu động mà không được, dù đã thế chấp căn nhà”.
Sự việc của anh khiến tôi phải mất nhiều thời gian suy nghĩ. Tuy đó chỉ là doanh nghiệp nhỏ nhưng dù cố gắng thế nào anh cũng không thể vay được tiền để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, lý do không cho vay tiền của ngân hàng cũng có cơ sở. Với những start up về công nghệ như vậy thì sản phẩm đầu ra không cụ thể, chưa có sản phẩm mẫu cũng như hàng để bán. Nhất là với những sáng tạo mới như các phần mềm hay giải pháp công nghệ thì không thể có kết quả kiếm chứng thực tế, vì muốn hoạt động thì phải có kinh phí.
Những sự việc như vậy xảy ra hằng ngày, hàng giờ. Không ít ý tưởng kinh doanh tốt, thậm chí đã đi vào hoạt động và đã có kết quả bước đầu, nhưng vẫn khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng. Các chủ doanh nghiệp cho rằng ngân hàng đã quá khắt khe khi không cho họ vay vốn, dù biết đó là kế hoạch kinh doanh tốt, rằng ngân hàng đã làm ăn quá an toàn mà không nghĩ đến việc các doanh nghiệp nhỏ như vậy có thể đóng góp được gì cho đất nước, nhưng thực tế cũng khó cho cả hai phía.
Giải bài toán về thiếu vốn
Các số liệu nghiên cứu và thống kê hiện nay cho biết, ở nước ta có hơn 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp gần một nửa GDP và 41% cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa là vay được vốn ngân hàng, còn lại vẫn phải “tự túc”, thậm chí phải sử dụng nguồn vốn “không chính thức” với lãi vay khá cao. Vấn đề ở đây là ngân hàng thì bao giờ cũng phải đề cao sự an toàn và tránh rủi ro, tức là phải có tài sản để thế chấp, mà đó lại là thứ mà các doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng. Mặc dù gần đây có khá nhiều chính sách hỗ trợ và một số chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ hay giúp các start up khởi nghiệp, nhưng thực tế dịch vụ tài chính tại ngân hàng vẫn là một thứ xa xỉ đối với doanh nghiệp nhỏ.
XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết “Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong” tại đây
Yếu tố trực tiếp quyết định đến kết quả sản xuất kinh doanh mà còn khó khăn như vậy nên dễ hiểu khi số start up hay doanh nghiệp nhỏ phải dừng hoạt động là khá nhiều. Chúng ta đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên không thể để các start up chết yểu do thiếu vốn, điều đó cũng đồng nghĩa chúng ta đã mất rất nhiều chất xám, mất nhiều những ý tưởng sáng tạo – thứ quan trọng để phát triển.
Theo quan điểm của tác giả, để có thể giải được bài toán này, không gì khác là cả doanh nghiệp và ngân hàng cần phải giúp nhau tháo gỡ khó khăn của nhau.
Về phía ngân hàng, tuy an toàn là hướng đi hàng đầu nhưng ngoài việc tôn trọng nguyên tắc tín dụng thì cũng cần nghiên cứu một cơ chế thoáng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ. Điều đầu tiên ngân hàng có thể làm được là nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đổi mới mô hình giao dịch, hạn chế bớt các thủ tục và tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay bằng cách này hay cách khác, hướng dẫn họ chuẩn bị đủ các điều kiện. Quan trọng nhất là cơ chế chính sách phải rõ ràng, chi tiết, an toàn cho cả ngân hàng và người đi vay. Một biện pháp chúng ta có thể nhìn ra là nếu có sự bảo lãnh của các tổ chức uy tín (chẳng hạn như thành lập ra một hội đồng thẩm định dự án rồi bảo lãnh cho doanh nghiệp start up) ngân hàng sẽ có sự an toàn cần có và người đi vay cũng vững tin hơn.
Về phía nhà nước, cũng cần có chính sách cụ thể, chi tiết hơn về các công nghệ mới, cũng như tiến đến thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để giúp các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ, qua đó, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều có thể dễ thở hơn trong việc vay và cho vay vốn.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn cho mình bằng nhiều cách khác nhau. Cần khắc phục tình trạng ngại đi vay, ngại thủ tục mà phải quyết liệt tìm hiểu thông tin, tìm ra hướng đi đúng đắn nhất để tiếp cận được nguồn vốn, như vậy có thể tận dụng tốt hơn dịch vụ tài chính của ngân hàng.