Quả trám không chỉ là thực phẩm được bổ sung trong chế độ ăn uống mà còn lại vị thuốc trong Đông Y, có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.
Trám là một loại quả không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt còn được yêu thích với hương vị bùi thơm khi được nấu chín, hơi chua và chát khi xanh. Ngoài hương vị đặc sắc, trám còn là một vị thuốc trong Đông Y và là loại thực phẩm được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn uống nhờ đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
1. Giới thiệu chung về quả trám
Quả trám có 2 loại, bao gồm trám trắng và trám đen. Trám trắng còn được biết đến với các tên gọi khác như cảm lãm, thanh quả, gián quả, cà ná, mác cơm, thanh tử, hoàng lãm và bạch lãm, … Quả trám đen cũng có một số tên gọi khác như trám chim, mộc uy tử, ô lãm, cây bùi, hắc lãm, …
Trám đen có tên khoa học là Canarium nigrum Engl, trám trắng là Canarium album Raeusch.
Về thành phần hoá học, quả trám chứa:
– 12% protein
– 1.09% lipid
– 12% hydrat carbon
– 0,046% Ca, 0,06% photpho
– Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric, …
– Cùi trám chữa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất xơ và chất khoáng (kali, magie, canxi, kẽm, carroten, sắt, …).
2. Quả trám có tác dụng gì?
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, quả trám có thể thanh nhiệt, giải độc và thúc đẩy quá trình tạo ra chất lỏng. Điều này giúp giảm đau họng do phong nhiệt xâm nhập hoặc tích tụ nhiệt độc, khô miệng, rát họng, khát nước, khản tiếng, ho đờm dính, động kinh, uống nhiều, nôn ra máu khi ho và lỵ trực khuẩn. Quả trám cũng có thể làm giảm say rượu và ngộ độc cá nóc.
Các nghiên cứu hiện đại cho rằng quả trám có thể là một loại thực phẩm bổ sung tốt, giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các biến chứng. Vì loại quả này chứa các đặc tính thúc đẩy chức năng của ty thể và sự hấp thu glucose, hoạt động như một chất chống oxy hóa và chống glycation có khả năng ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường.
Ngoài ra, quả trám có hàm lượng chất xơ cao nên có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng bằng cách thúc đẩy giảm cân, cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin và hạ huyết áp. Chất xơ cũng giúp làm chậm tốc độ hấp thụ chất béo và giảm cảm giác đói.
Quả trám còn được cho rằng có tác dụng chống tăng sinh khối u và các hợp chất chức năng cũng như có thể ngăn ngừa ung thư.
3. Một số bài thuốc từ quả trám
Vì được coi là một vị thuốc trong Đông Y nên quả trám được sử dụng trong nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như:
– Bài thuốc chữa ho: 2 – 3 quả trám trắng tươi (bỏ hột) đập dập lấy nước uống. Bạn cũng có thể thêm một chút gừng, đường hay mật để dễ uống và hiệu quả hơn.
– Bài thuốc chữa khô rát cổ họng, mất tiếng, viêm amidan, viêm họng: Bạn có thể đập dập quả trám và kèm theo một chút muối trắng để ngậm như chanh muối. Ngoài ra cũng có thể dùng trám tươi để hãm và uống nước trong ngày.
– Bài thuốc thanh nhiệt: Sử dụng 20g quả trám tươi bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Nấu với 0,5 lít nước trong 1/2 giờ lọc nước uống nóng.
– Bài thuốc trị sốt, khát nước và khô môi: Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch vài quả trám, bỏ hạt và giã nát lấy nước uống.
– Bài thuốc chữa khó nuốt, thanh phế, chỉ khát, trị sưng họng, buồn nôn: Chuẩn bị 10g trám tươi đã bỏ hột, 6g gừng tươi đã gọt vỏ và rửa sạch, 120g ngó sen tươi đã bỏ vỏ, 10g cam bỏ vỏ và 150 gram mã thầy. Tất cả vị thuốc đem giã nát và vắt lấy nước uống.
4. Một số lưu ý khi sử dụng các bài thuốc từ quả trám
Để sử dụng đúng với tình trạng sức khoẻ và phòng ngừa các tác dụng phụ, khi sử dụng bài thuốc từ quả trám mọi người nên lưu ý:
– Các bài thuốc từ quả trám chỉ mang tính dân gian và chưa được khoa học kiểm chứng. Do đó, mọi người không nên tự ý sử dụng các bài thuốc khi chưa được các thầy thuốc chỉ định, đặc biệt những người có bệnh lý mãn tính.
– Các bài thuốc trên chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, không thể thay thế cho các chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, mọi người không tự ý bỏ điều trị theo phác đồ của bác sĩ để điều trị theo các bài thuốc trên.
– Trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng các bài thuốc trên hoặc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc.
– Nếu sử dụng các bài thuốc từ quả trám và thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên ngưng sử dụng ngay và đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ.
Theo liều lượng khuyến cáo hàng ngày, bạn chỉ nên sử dụng 6 đến 12g trám/ngày. Nếu sử dụng quả trám quá nhiều có thể gây đau họng, buồn nôn, nôn hoặc mụn trứng cá. Những người bị táo bón không nên ăn loại quả này khi còn sống.