Chọn kênh đầu tư cho nửa cuối năm

Nửa năm 2014 trôi qua đủ để các nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư quyết định trong các tháng cuối năm. Vậy đó là kênh nào? Bất động sản, chứng khoán hay ngoại tệ, vàng?

Thông tin tích cực cho TTCK

Thông thường, trong nhiều năm thị trường chứng khoán (TTCK) cuối quý 2 và đầu quý 3 được xem là nằm trong “vùng trũng”, không có nhiều thông tin tác động hỗ trợ để thị trường tăng điểm mạnh.

Nhưng năm nay, theo ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc Công ty chứng khoán ACB chi nhánh Ngô Lê Cát, tình hình kinh tế đang dần tốt lên. Số lượng các doanh nghiệp (DN) bị thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm đi so với cùng kỳ năm trước; dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào TTCK cũng nhiều hơn… Tuy nhiên, nhà đầu tư (NĐT) phải có sự chọn lọc cẩn thận những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt như hoạt động kinh doanh của DN ổn định, tài chính lành mạnh để giảm thiểu rủi ro.

Còn TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình quyết định cho phép các công ty, tổ chức nước ngoài mua hoặc góp vốn cổ phần tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán đến mức tối đa 100% vốn và quyết định này sẽ sớm được ban hành. Chính sách này sẽ có tác động tích cực lên TTCK trong thời gian tới.

Bất động sản nào được chọn ?

Từ đầu năm đến nay, thanh khoản trên thị trường bất động sản ở một số đất nền hay chung cư có vị trí tốt, giá phù hợp đã gia tăng. TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Các khu đô thị mới nếu nằm trong bán kính từ 10 km trở lại, tính từ trung tâm thành phố hiện nay, với giá bán phù hợp sẽ được khách hàng lựa chọn nhiều hơn.

Đặc biệt, những bất động sản đã hoàn thành, đảm bảo về chất lượng và hạ tầng dịch vụ càng thu hút được người có nhu cầu để ở lẫn NĐT. Riêng phân khúc đất nền chỉ phù hợp cho những NĐT dài hạn do thị trường bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục ở nhiều phân khúc khác nhau”.

Rủi ro đối với vàng, ngoại tệ

So với đầu năm, giá vàng SJC hiện tăng khoảng 1,4 triệu đồng/lượng (tương đương 4%). Tuy nhiên, trong năm 2013, giá vàng SJC đã giảm 25 – 30% sau gần chục năm liên tục tăng giá.

Theo phân tích của chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh, nhu cầu vàng trên thế giới và trong nước hiện nay yếu nên giá khó có thể tăng. Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới cho biết nhu cầu vàng quý 1/2014 không tăng. Gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất ở mức thấp khiến đồng euro giảm, làm cho đồng USD tăng và giá vàng giảm.

Về trung và dài hạn, giá vàng đang ở trong xu hướng giảm. Riêng thị trường vàng trong nước thời gian gần đây do tác động tâm lý từ tình hình biển Đông có tăng lên, nhưng theo ông Phan Dũng Khánh, mức tăng này chỉ tạm thời, vì thực sự nhu cầu vàng trong nước khá thấp.

Giám đốc một công ty kinh doanh vàng giàu kinh nghiệm cũng khuyên không nên mua vàng lúc này. Chu kỳ tăng giá của vàng đã kết thúc, việc giá vàng SJC đạt được mức “đỉnh” 47 – 48 triệu đồng/lượng như trước đây là rất khó. Nếu không tính mức chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới 4 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC theo giá vàng thế giới quy đổi chỉ ở mức 32,2 triệu đồng/lượng.

Giá ngoại tệ trong ngân hàng cũng đã liên tục tăng trong những ngày qua nhưng so với đầu năm, giá USD hiện nay tăng không đáng kể. Phó giám đốc một ngân hàng cổ phần cho hay, trong khoảng 2 năm trở lại đây thị trường USD không còn những đợt sóng cao, tăng vài trăm đồng đến 1.000 đồng/USD nữa. Có những thời điểm, giá USD tự do còn thấp hơn cả USD ngân hàng nên mọi người nắm giữ USD có xu hướng bán ra lấy tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hơn. Vì vậy, USD cũng không phải là kênh chọn lựa phù hợp cho nhà đầu tư. 

>>> Thống đốc NHNN trả lời về thị trường vàng và tỷ giá

Theo Mai Phương – Thanh Xuân

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin