Sự phát triển của thị trường chứng khoán và gia tăng toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự tương thích trong hệ thống báo cáo.
Sự khác biệt ngày càng lớn giữa VAS và IFRS
Từ 2001 đến 2005, Bộ Tài Chính ban hành 26 Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam (VAS) dựa trên Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) và Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), có bổ sung và thay đổi “cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”.
Tuy nhiên, VAS chỉ ứng dụng một phần của bộ Chuẩn mực IFRS dẫn đến thiếu sự đồng bộ trong VAS. Hơn thế nữa, từ 2005 đến nay, VAS không được cập nhật hoặc chỉnh sửa trong khi IFRS và IAS đã và đang thay đổi rất nhiều do quá trình hợp nhất giữa IFRS và US GAAP. Điều này dẫn đến một sự khác biệt lớn giữa VAS và IFRS.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Bộ Tài Chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn áp dụng VAS. Nếu có mâu thuẫn giữa những hướng dẫn này và VAS, các thông tư sẽ được chọn làm cơ sở áp dụng.
Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 202/2014 đã mang lại nhiều thay đổi và đưa VAS tiệm cận IFRS hơn ở một số khoản mục. Tuy vậy, giữa hai Chuẩn mực vẫn còn khác biệt căn bản như một số ví dụ dưới đây.
Giá trị hợp lý (fair value) là xu hướng trong hầu hết các chuẩn mực IFRS mới được ban hành hay điều chỉnh. IFRS hướng đến cung cấp thông tin phù hợp hơn cho người đọc bằng cách phản ánh tình hình tài chính của công ty gần với giá trị vốn hóa tại thời điểm hiện tại chứ không theo giá gốc lịch sử, và ghi nhận các khoản lỗ hay tổn thất tài chính sớm hơn ngay khi xuất hiện khả năng có tổn thất. Trong khi đó, hiện tại VAS vẫn rất hạn chế trong việc đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý.
IFRS yêu cầu phân tích và ghi nhận dựa vào nguyên lý “bản chất hơn hình thức” trên hợp đồng, hóa đơn và chứng từ. Để có thể phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ, doanh nghiệp cần thông tin đa chiều để phân tích và đưa ra các ước tính và giả định.
Để giải thích rõ hơn điều này, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Khối Tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp và Tư vấn IFRS tại KPMG Việt Nam đã đưa ra ví dụ thực tế sau: “Một công ty bán một chiếc xe máy với bảo hành 5 năm (thông thường các hãng khác chỉ bảo hành 1 năm), kèm theo đó là các khuyến mãi, dịch vụ hỗ trợ thay phụ tùng miễn phí, phiếu quà tặng 10 đêm nghỉ dưỡng tại một khách sạn trực thuộc tập đoàn. Mặc dù hóa đơn ghi giá bán của chiếc xe là 30 triệu đồng, kế toán không ghi nhận ngay doanh thu là 30 triệu đồng tại thời điểm bàn giao xe và phát hành hóa đơn.
Theo nguyên tắc IFRS, kế toán cần phải xác định các nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng trong giao dịch này bao gồm: chiếc xe máy, dịch vụ bảo hành, phụ tùng thay thế và 10 đêm khách sạn; sau đó dựa trên các giả định và thông tin có được từ thị trường, thống kê số liệu lịch sử,… để tách 30 triệu đồng này phù hợp cho từng nghĩa vụ trong hợp đồng. Doanh thu của từng cấu phần này sẽ được ghi nhận tại thời điểm và thời kỳ phù hợp với bản chất của từng hàng hóa và dịch vụ.”
Bên cạnh đó, yêu cầu về trình bày báo cáo tài chính của IFRS cũng chặt chẽ và chi tiết hơn, đòi hỏi phải cung cấp đầy đủ thông tin để người đọc có thể hiểu rõ các giả định được sử dụng, cơ sở các ước tính cũng như bản chất của số dư hoặc khoản mục trọng yếu trên báo cáo tài chính, hoặc các cam kết quan trọng chưa được ghi nhận trong kỳ.
Tại sao phải chuyển đổi sang IFRS?
Theo thống kê của Ủy Ban Chứng Khoán ngày 29 tháng 4 năm 2021, tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), bao gồm cả HOSE, HNX, UPCoM và TPCP/TPDN đạt gần 7.4 triệu tỷ đồng, tương đương 120% GDP và tăng 10.83% so với cùng kỳ năm trước. Sự phát triển của TTCK, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam, cũng như ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế đã đặt ra nhiều yêu cầu trong việc rút ngắn sự khác biệt (hiện vẫn còn khá lớn) giữa VAS và IFRS.
Ngày 16 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam. Từ 2022 – 2025, các doanh nghiệp được tạo điều kiện để áp dụng IFRS tự nguyện. Sau đó là giai đoạn bắt buộc lập báo cáo tài chính hợp nhất IFRS đối với các đối tượng bao gồm Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, Công ty mẹ là công ty niêm yết, Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết.
Việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS của Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể hội nhập và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa vào các thị trường tài chính quốc tế cũng như đón nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài các ảnh hưởng tích cực của việc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp, sẽ có rất nhiều thách thức không nhỏ đang chờ đón họ ở phía trước.
Bài viết tham khảo ý kiến chuyên gia bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Khối Tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp và Tư vấn IFRS tại KPMG Việt Nam. Sau hơn hai thập kỷ làm việc tại KPMG Việt Nam, bà Hảo có kiến thức chuyên sâu về các chuẩn mực kế toán và kiểm toán tại Việt Nam và quốc tế. Với tư cách là trưởng khối Tư vấn chuyển đổi IFRS, bà Hảo lãnh đạo đội ngũ các chuyên gia với các kỹ năng chuyên sâu khác nhau bao gồm IFRS, quy trình và giải pháp tự động hóa doanh nghiệp, định giá…. của KPMG Việt Nam, cung cấp giải pháp và hỗ trợ triển khai áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế tại một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Bà Hảo cũng là Đại diện của KPMG trong các dự án chuyển đổi ở một số tập đoàn lớn ở Việt Nam.
Đón đọc kỳ tới: Những khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi sang IFRS.