Chiến lược bền vững của xi măng Fico-YTL

Fico-YTL giảm lượng phát thải khí CO2 bằng việc phát triển các loại xi măng có hàm lượng clinker thấp, tăng sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất.

Năm 2024, công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh (Fico-YTL) lần thứ hai công bố Báo cáo bền vững (Môi trường, Xã hội và Quản trị – ESG) với nhiều chỉ số cải thiện so với năm trước. Đến giữa tháng 7, công ty tự công bố nhãn xanh ECOCem.

Theo đó, phát thải của các sản phẩm xi măng nằm trong khoảng 350 – 600 kg CO2 một tấn. Nếu so sánh với xi măng Portland, loại vật liệu được sử dụng phổ biến trên thế giới, có lượng phát thải là 850 kg, sản phẩm gắn nhãn ECOCem giảm phát thải ít hơn từ 30 – 70%, tùy sản phẩm.

Một trong số các sản phẩm gắn nhãn xanh của Xi măng Fico-YTL. Ảnh: Fico-YTL

Một trong số các sản phẩm gắn nhãn xanh của Xi măng Fico-YTL. Ảnh: Fico-YTL

Với xi măng bao dân dụng, phát thải CO2 của xi măng bao ECOCem khoảng 470 kg một tấn, trong khi xi măng bao loại thông thường là 550 – 600 kg một tấn. “Nếu sử dụng bốn bao xi măng dân dụng nhãn ECOCem thay vì xi măng thông thường, có thể giảm hơn 21kg CO2 thải ra môi trường, tương đương với lượng CO2 một cây xanh trưởng thành có thể hấp thụ trong một năm”, đại diện Fico-YTL lấy ví dụ.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, nếu lấy cột mốc năm 2019 thì năm 2020, lượng phát thải CO2 họ giảm được tương đương với việc trồng thêm hơn 1,84 triệu cây xanh, năm 2021 là hơn 3,3 triệu cây, năm 2022 gần 5,5 triệu cây. Riêng 2023 – năm công ty có báo cáo ESG đầu tiên, số lượng quy đổi tăng vọt lên gần 8,8 triệu cây xanh.

Fico-YTL cho biết đã cập nhật lộ trình trung hòa carbon vào năm 2050, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua tự động hóa, số hóa và tối ưu hóa quy trình trong trung hạn. Công ty đang nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải.

“Đây là bước quan trọng giúp giảm lượng khí thải CO2. Ngoài ra, công ty sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm bền vững và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về xây dựng xanh”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Nhà máy xi măng Fico-YTL

Nhà máy xi măng Fico-YTL. Ảnh: Fico-YTL

Để hiện thực hoá lộ trình này, đơn vị đặt mục tiêu đến năm 2030, sử dụng 30% nhiên liệu thay thế trên tổng số nhiên liệu dùng để sản xuất clinker. Về công nghệ giảm phát thải, công ty cho biết nghiên cứu nội bộ và hợp tác các bên liên quan nhằm đánh giá ít nhất mỗi năm một lần về hiệu quả triển khai. Cùng với đó là công tác đào tạo ESG ít nhất 2 giờ mỗi năm cho cấp quản lý.

“Mỗi năm, chúng tôi lại nỗ lực làm tốt hơn để sản xuất xanh hơn, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người”, ông Nguyễn Công Bảo – Giám đốc Điều hành Công ty Xi măng Fico-YTL chia sẻ.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, hiện các sản phẩm gán nhãn ECOCem đều đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn chất lượng Mỹ (ASTM), đồng thời đạt được cấp bậc nhãn xanh cao nhất của Hội đồng công trình xanh Singapore (SGBC).

Lan Anh

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin