Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có từ nào có thể diễn giải đủ nghĩa của từ logistics, nhưng có thể hiểu logistics là “vòng tròn” các hoạt động lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Báo cáo dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, khoảng 70% số doanh nghiệp này tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.
90% doanh nghiệp logistics Việt Nam có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. (Ảnh: VnEconomy)
“Điểm yếu của các doanh nghiệp Logistics hiện nay cả về nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chủ yếu hoạt động trong nước nhận thầu cho các doanh nghiệp quốc tế chưa theo kịp xu thế của thế giới” – ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết.
Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Để mở rộng quy mô, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và hợp tác với các công ty logistics quốc tế. Một điểm đáng lưu ý là cả nước có 45 Trung tâm logistics tại 9 tỉnh, thành phố nhưng đa phần là các Trung tâm logistics hạng II (cấp vùng), chưa phát triển đúng định hướng tại Quyết định số 1012 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ là phát triển các Trung tâm cấp I (cấp quốc gia) để trên cơ sở đó phát triển các Trung tâm hạng II.
Đặc biệt, kết nối giữa các phương thức vận tải đang là hạn chế lớn, làm chi phí logistics cao. Hệ thống đường bộ có nhiều cải tiến, tuy nhiên số lượng phương tiện chạy rỗng còn nhiều, làm giảm hiệu suất khai thác, tăng chi phí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics (gọi tắt là Ủy ban 1899) cho rằng, con số chi phí logistics của doanh nghiệp chiếm tới 20% GDP, nhưng đóng góp của ngành logistics vào GDP chỉ chiếm 4 – 5%, chính vì vậy thời gian tới phải tăng cường đóng góp của ngành này và giảm chi phí logistics của doanh nghiệp trong GDP.
“Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đánh giá tổng thể việc xây dựng Chương trình mục tiêu phát triển dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ này đến năm 2025, đóng góp từ 8 – 10% GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 14 – 20%, thứ hạng đứng thứ 50 trong chỉ số cạnh tranh của thế giới trở lên và giảm chi phí cho doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu./.