Nhiều người nghĩ rằng bản thân còn khỏe, còn chịu được việc thức khuya. Nhưng khi bước qua tuổi 35, 40, sức khỏe lao dốc không cứu vãn được họ mới cảm thấy hối hận vì lối sống sai lầm.
Không phải nghi ngờ gì khi nói đi ngủ đúng giờ là một thói quen tốt. Đi ngủ đúng giờ không những giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ nhanh hơn mà còn nâng cao hiệu quả của sự trao đổi chất của cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã và đang chỉ ra rằng, tình trạng thiếu ngủ kéo dài, thói quen thức khuya có thể mang lại một vài hệ quả tiêu cực lên sức khỏe của bạn.
Trong một video về sức khỏe, bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh viện Việt Đức đã chỉ ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khi tình trạng thiếu ngủ kéo dài. Thói quen thức khuya, thiếu ngủ gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe: béo phì, cao huyết áp, biến cố tim mạch, suy giảm trí tuệ, tiểu đường, giảm tuổi thọ.
Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, đảm bảo giấc ngủ là một trong những vấn đề cốt lõi để có sức khỏe. Thông thường, 8 giờ ngủ/ngày là tốt nhất đối với người trưởng thành. Nguyên tắc đánh giá giấc ngủ là: Trong thời gian làm việc bạn cảm thấy uể oải, thèm được ngủ nghĩa là hôm trước bạn đã bị thiếu ngủ.
1. Suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng
Khi thiếu ngủ kéo dài sẽ khiến hệ miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng, chúng ta rất dễ bị ốm vặt, cảm cúm.
Khi bạn thức quá khuya, các cơ quan trong cơ thể không được nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ khiến cho máu kém lưu thông. Điều này sẽ khiến cơ thể thường xuyên ở tình trạng mệt mỏi, uể oải, tay chân rệu rã lúc thức dậy.
2. Béo phì
Theo nghiên cứu, nếu chúng ta ngủ ít hơn 7 tiếng/ngày sẽ có nguy cơ bị béo phì. Do những người thiếu ngủ sẽ giảm nồng độ leptin (hormone giảm cảm giác no) và tăng hormone kích thích cảm giác đói, thèm ăn. Vì thế những người thức khuya cũng là những người hay ăn vặt, ăn thực phẩm chế biến sẵn. Vì buổi tối, cường độ hoạt động ít, nên năng lượng dư thừa sẽ được tích lũy thành mỡ, dễ tăng cân.
3. Tăng nguy cơ trầm cảm, sa sút trí tuệ, trí nhớ
Theo khảo sát, những người bị lo âu trầm cảm, đều có thời gian ngủ dưới 6 tiếng. Các chuyên gia tâm lý khuyên, những người có dấu hiệu trầm cảm nên cải thiện giấc ngủ đầu tiên. Tốt nhất là bạn nên ngủ trước 10 giờ tối. Bạn cũng nên tính toán giấc ngủ tối, giấc ngủ trưa để có thể đảm bảo ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày.
4. Tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2
Nghiên cứu chứng minh được rằng, người ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao gấp đôi người bình thường. Bởi khi chúng ta bỏ lỡ thời điểm ngủ sâu thì nó sẽ thay đổi cách cơ thể xử lý và hấp thụ glucose trong máu, giảm khả năng dung nạp đường trong cơ thể.
5. Biến cố về tim mạch
Các bác sĩ tim mạch đều khuyên bệnh nhân hạn chế thức khuya, đảm bảo giấc ngủ. Thiếu ngủ kéo dài có lien quan đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tang nguy cơ các biến cố tim mạch đặc biệt là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
6. Giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng sinh sản
Những người thiếu ngủ có nồng độ hormone sinh dục thấp hơn so với người bình thường. Khả năng sinh lý, sinh sản luôn đồng hành với trạng thái tinh thần tốt và thể lực dồi dào.
Khi cảm thấy sung sức, bạn sẽ có thái độ tích cực đối với các mối quan hệ, đặc biệt là tình dục. Ngược lại, khi bạn cảm thấy thiếu ngủ, mệt mỏi hay bất an, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản.
7. Lão hóa và rụng tóc
Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều cần có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo, hồi phục. Trong đó tóc và da là những cơ quan có biểu hiện rõ nhất. Khi chúng ta thức khuya, thiếu ngủ thì cơ thể mệt mỏi, giảm hormone và mất nước, dẫn đến lão hóa và rụng tóc sớm.
Điều quan trọng nhất là bạn cần rèn cho mình thói quen đi ngủ sớm hơn để luôn duy trì được sức khỏe ở trạng thái tốt nhất. Để có thể thực hiện ngủ sớm, ngủ đủ, mọi người có thể đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối hoặc ngồi thiền một chút, đọc sách, tránh xem tivi, dung điện thoại và hạn chế âm thanh lớn trong phòng ngủ… Ngoài ra bạn có thể ngâm chân, dùng tinh dầu trong phòng ngủ để có thể dễ dàng ngủ hơn.