Tại sao Việt Nam chủ yếu đón FDI từ châu Á mà chưa thu hút được doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ?

Tại Tọa đàm: “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra một thực tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phần lớn là từ các “thiên đường thuế” và các nước Đông Bắc Á, không có hoặc rất ít đầu tư từ Hoa Kỳ và châu Âu.

TIN MỚI

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, đầu tư thế giới năm 2020 có thể suy giảm 40%, các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí âm. Trong khi đó ở Việt Nam, vốn đăng ký mới tăng thêm gần 20 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, vốn giải ngân giảm 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với thế giới đang giảm sâu thì ta giảm rất ít. 

Ông Hoàng nhận thấy tần suất các nhà đầu tư quan tâm chúng ta ngày cầng tăng qua nhiều kênh khác nhau. Cục đầu tư nước ngoài đã tổ chức rất nhiều tọa đàm trực tuyến để trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những tín hiệu đáng mừng, mở ra nhiều cơ hội doanh nghiệp Việt Nam tham gia kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là số dự án đăng ký mới tăng 6,6%. Dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Con số xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm khoảng 5-6%. Điều đó chứng tỏ rằng các doanh nghiệp FDI tuy vẫn bị tác động nhưng rất ít. Họ vẫn ở trong tình trạng sản xuất xuất nhập khẩu bình thường.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, con đường đón doanh nghiệp nước ngoài của Việt Nam còn nhiều khúc mắc. Ông chỉ ra thực tế rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phần lớn là từ các “thiên đường thuế” và quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… không có hoặc rất ít đầu tư từ Hoa Kỳ và châu Âu”.

Ông Cung giải thích, Việt Nam rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ, từ châu Âu, kỳ vọng đây là đầu tư chất lượng cao, là những đầu tư sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp. Loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi nền kinh tế.

Nguyên viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Đây là cái chúng ta phải trả lời được: Họ muốn gì? Tôi cho rằng, đầu tiên họ muốn chính sách của chúng ta, luật pháp của chúng ta phải ổn định, trong văn bản phải cụ thể, trên thực thi phải dự đoán được. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí không chính thức. Họ nói, thực hiện như thế là được, vì điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu cực kỳ quan trọng”. 

Doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp. Nếu không tuân thủ thì rủi ro pháp lý là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh, ông Cung lập luận.

“Còn những cải cách môi trường kinh doanh, chúng ta cũng phải nhìn rõ những yêu cầu này. Hạ tầng phải là hạ tầng quy mô lớn, chứ không phải xây một cao tốc rồi đường làng, đường tỉnh thì đầy chông gai, khi ra cao tốc thì “chân tay” cũng không còn nguyên vẹn nữa” – TS. Nguyễn Đình Cung nói thêm. “Tiếp đó là cách tiếp cận chính sách, mặt bằng chung là vậy, nhưng đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau. Chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất may đo, không may sẵn, thì lúc đó chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu và từ đó chọn được nhà đầu tư có chất lượng”.

Đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị, ông Cung chỉ rõ cần thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Việt Nam cần hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề, xử lý vấn đề theo nhu cầu. Chưa nói đến việc, chúng ta phải thu hút được doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ họ, tham gia được chuỗi giá trị, nếu không thì chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được cơ hội.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin