Theo báo cáo mới nhất về tốc độ mạng tại Việt Nam của Speedtest Ookla, Viettel được đánh giá là nhà mạng có tốc độ nhanh nhất về cả mạng di động và mạng băng rộng cố định.
Báo cáo cho biết, trong tháng 12, Việt Nam xếp thứ 51 trên thế giới về tốc độ mạng di động với 42,07 Mb/giây, trong khi mạng băng rộng cố định xếp thứ 46/178, tăng 1 bậc so với tháng 11. Tốc độ tải trên mạng băng rộng cố định đạt 82,22 Mb/giây trong tháng 12 với độ trễ là 5 giây.
Xét theo thành phố, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố duy nhất của Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng. Cụ thể, về mạng di động, Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 67 (tăng 6 bậc so với tháng 11) và Hà Nội xếp thứ 70 (giảm 1 bậc) trên thế giới. Về mạng băng rộng cố định, Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 68/192 thành phố với tốc độ 84,96 Mb/giây và Hà Nội xếp thứ 76 với tốc độ 77,96 Mb/giây.
Mạng di động
Theo báo cáo, Viettel là nhà mạng có tốc độ mạng di động nhanh nhất trong số các nhà cung cấp tại Việt Nam trong quý 4/2022. Tốc độ tải xuống (download) trung bình của Viettel đạt 46,52 Mb/giây, tăng 1,71 Mb/giây so với quý 3.
3 nhà mạng có tốc độ mạng di động nhanh nhất tại Việt Nam trong quý 3/2022. Nguồn: Speedtest.
Vinaphone ở vị trí thứ 2 với tốc độ tải xuống trung bình đạt 42,40 Mb/giây. Tiếp theo là MobiFone với tốc độ tải xuống trung bình đạt 32,26 Mb/giây.
Về độ trễ, Vinaphone là nhà mạng có độ trễ thấp nhất với độ trễ trung bình đạt 35 ms. Xếp sau đó là MobiFone với độ trễ trung bình đạt 36. Theo báo cáo, Viettel là nhà mạng có độ trễ cao nhất với 42 ms.
Bảng xếp hạng về tiêu chí độ trễ các nhà mạng tại Việt Nam trong quý 4/2022. Nguồn: Speedtest.
Ngoài ra, báo cáo của Speedtest cũng đánh giá về độ ổn định của các nhà mạng. Theo đó, Viettel và Vinaphone là 2 nhà mạng có độ ổn định cao nhất với số điểm lần lượt là 93,2% và 87,5%. Đối với Vinaphone, độ ổn định của nhà mạng này trong quý 4/2022 đã giảm 4,6% so với quý trước.
Đặc biệt, trong danh sách các thiết bị có tốc độ truy cập mạng nhanh nhất tại Việt Nam và các thiết bị iOS chiếm đa số danh sách này. Cụ thể, 2 sản phẩm điện thoại mới nhất của Apple được mở bán tại Việt Nam từ giữa tháng 10/2022 là iPhone 14 Pro Max và iPhone 14 Pro có tốc độ tải xuống trung bình nhanh nhất trong số các thiết bị phổ biến ở Việt Nam. 2 thiết bị này có tốc độ tải mạng lần lượt đạt 76,58 Mb/giây và 71,85 Mb/giây. Độ trễ của 2 thiết bị này cũng chỉ đạt từ 35 – 36 ms.
Top 5 thiết bị di động có tốc độ truy cập mạng nhanh nhất trong quý 4/2022. Nguồn: Speedtest.
Thiết bị Android duy nhất có trong top 5 là điện thoại Galaxy A52s 5G của Samsung. Thiết bị này có tốc độ tải xuống đạt 67,12 Mb/giây và độ trễ đạt 38 ms.
Đánh giá theo hiệu suất tổng hợp của các nhà sản xuất điện thoại di động lớn, báo cáo chỉ ra các thiết bị của Apple có tốc độ tải xuống trung bình nhanh nhất tại Việt Nam trong quý 4, tăng 1 bậc so với quý 3 với tốc độ đạt 42,69 Mb/giây và độ trễ chỉ đạt 38 ms.
Hiệu suất tổng hợp các nhà sản xuất điện thoại di động lớn trong quý 4/2022. Nguồn: Speedtest
Mạng băng rộng cố định
Đánh giá về mạng băng rộng cố định, Speedtest cho biết, Viettel vẫn là nhà mạng có tốc độ tải xuống trung bình cao nhất với tốc độ đạt 87,89 Mb/giây. Tiếp theo là Vinaphone và FPT Telecom với tốc độ tải xuống trung bình lần lượt đạt 75,61 Mb/giây và 71,46 Mb/giây.
Về độ trễ, cả 3 nhà mạng này đều có độ trễ trung bình từ 8 – 9 ms. Trong đó, FPT Telecom là nhà mạng có độ trễ thấp nhất.
Độ trễ trung bình của 3 nhà mạng cung cấp mạng cố định băng rộng trong quý 4/2022. Nguồn: Speedtest
Theo báo cáo, Viettel cũng là nhà mạng có tốc độ mạng băng rộng ổn định nhất với số điểm 86,2%, tăng 0,2% so với quý 3. Vinaphone và FPT có độ ổn định ở mức 82,9% và 82,5%.
Trước đấy, ngày 26/12, tuyến cáp quang biển quốc tế APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Tuyến cáp này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT và CMC.
Ngoài việc tuyến cáp APG tiếp tục gặp sự cố, hiện tại, 2 tuyến cáp biển gặp sự cố trước đó là AAG và AAE-1 hiện vẫn chưa được sửa xong. Cụ thể, tuyến AAE-1 bị lỗi trên phân đoạn S1H vào cuối tháng 11/2022.