Vì sao tình trạng sở hữu chéo giải quyết mãi chưa xong? Chính sách tiền tệ trong 2014 sẽ theo hướng nào? Tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá nên kỳ vọng ở mức nào? Ngân hàng Nhà nước có in tiền cho Chính phủ chi?
Tất cả những câu hỏi đó đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giải đáp trong cuộc phỏng vấn mang tính định hướng chính sách rất quan trọng với nhà báo Hải Lý trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Còn nhớ, những thông tin từ cuộc phỏng vấn cũng của Hải Lý với Thống đốc Bình vào trước Tết Nguyên đán 2013 đã mang lại những thông tin quý giá cho thị trường về kỳ vọng lạm phát, tỷ giá cũng như các biện pháp điều hành trong toàn bộ năm 2013.
Sau đây là tóm tắt những điểm nội dung nổi bật trong cuộc phỏng vấn này:
Sở hữu chéo: “Đã phát hiện ra hết, có xử lý ngay được đâu”
Sao chưa giải quyết được sở hữu chéo?
Sở hữu chéo đã phát hiện ra hết, nhưng chưa giải quyết được ngay do người mua ít, người bán nhiều. Hơn nữa người mua cũng đòi hỏi có tiềm lực tài chính mạnh không lại tạo ra sở hữu chéo mới.
Bước một mà NHNN đang tiến hành là khoanh vùng, không để phát sinh thêm, rồi dần dần mới tháo gỡ.
Vì sao chưa nâng room để gọi vốn đầu tư từ nước ngoài?
Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đáng rẻ, nhà đầu tư nội cũng muốn mua những khó khăn tạm thời nên chưa mua được.
Mở room lên 49% cái rụp, nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng cơ hội mua vào. Sau này kinh tế phục hồi, nhà đầu tư Việt Nam phải mua lại với giá cao, thiệt.
Nhiều ngân hàng đang rất khó khăn, nợ xấu cao, vốn chủ sở hữu bị ảnh hưởng. Nếu là ông, ông có bỏ tiền vào đầu tư không?
Trường vốn nên mua. Xấu dưới góc độ thanh khoản, còn nó vẫn là tài sản.
Không nên nghĩ nước ngoài chỉ vào mua giấy phép ngân hàng. Nước ngoài khác Việt Nam. Chi hàng ngàn tỷ đồng để mua một cái giấy thì chẳng tổ chức nào bỏ ra cả.
“Căn bản nằm ở chính sách tài khóa”
Doanh nghiệp và người dân đang chờ đợi chính sách tiền tệ của NHNN?
Điểm căn bản của nền kinh tế hiện tại nằm ở chính sách tài khóa. Nếu không giải quyết hài hóa mối quan hệ tài khóa – tiền tệ, sẽ làm xô lệch thị trường tiền tệ. Đây là điểm đáng chú ý nhất
Riêng chính sách tiền tệ không thôi thì 2014 sẽ là một năm ổn định.
Hỗ trợ ngân sách là NHNN cung tiền cho ngân sách chi tiêu?
Tôi khẳng định không có chuyện đó.
NHNN đang bán tín phiếu ra để thu bớt tiền về. Tiền NHNN nếu có phát hành ra sẽ rất ngắn hạn, về cơ bản dưới một năm, nhưng đến nay chỉ có sáu tháng, trong khi kỳ hạn trái phiếu chính phủ 2-3-5 đến 10 năm.
Ngân hàng bảo thừa tiền, sao doanh nghiệp vẫn thiếu vốn?
Những ngân hàng lành mạnh trên thế giới, có 100 đồng chỉ cho vay 40 đồng. Ở ta hệ số sử dụng vốn (cho vay trên huy động) lên tới 85-90% là quá cao. Không thể nói thừa tiền thiếu vốn được.
Người ta nói thừa tiền là thừa theo nghĩa trước năm 2011, hệ số sử dụng vốn trên 100%. Hiện nay tỷ lệ này chỉ 70%, thừa ra 30%. 30% này ngoài đảm bảo thanh khoản, đáp ứng các dịch vụ khác còn để đầu tư vào giấy tờ có giá, thúc đẩy thị trường vốn phát triển. Có bao nhiêu tiền ném hết vào tín dụng, làm sao đảm bảo an toàn và lành mạnh của hệ thống
“Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát mục tiêu”
Lạm phát 2014 thế nào?
Tối đa từ 6,5 – 7%. Tăng trưởng GDP 5,8%.
Tăng trưởng 5,8% năm sau có quá cao?
Năm 2013 tăng trưởng thấp là do điều hành chậm một nhịp. Nới trần bội chi ngân sách mà được duyệt từ đầu năm thì tăng trưởng 5,5% chứ 6% cũng đạt được.
Khi sự hấp thụ vốn kém, tín dụng không ra được, cần có sự điều tiết ngân sách.
Nếu tăng trưởng tín dụng tốt thì không cần phát hành trái phiếu quá nhiều. Nếu tín dụng yếu hoặc vừa phải, cần tăng cường đầu tư thông qua ngân sách.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 2014?
12-14%. Năm nay tín dụng tăng 9-10%, thực tế lạm phát chỉ 6% trong khi định hướng lạm phát là 7%. Như thế định hướng năm sau tăng trưởng tín dụng 12% là phù hợp.
Còn tỷ giá?
Ổn định nhưng không cố định, biến động 1 – 2%. Hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN.
Trần lãi suất sẽ được gỡ bỏ?
Trần lãi suất chỉ áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng, trên 6 tháng tự do rồi. Trần lãi suất neo tâm lý lạm phát, nó chỉ ra chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát mục tiêu.
Theo Hải Lý