Đến hết tháng 2/2023, trên cả nước đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip sau hơn 2 năm triển khai đồng loạt. Nhưng mẫu CCCD này sẽ thay đổi theo dự thảo Luật CCCD sửa đổi.
Từ khi Luật CCCD 2014 có hiệu lực thi hành, không ít người dân đã phải thay đổi giấy tờ tùy thân này từ CMND sang CCCD mã vạch rồi CCCD gắn chip.
Năm 2016, Bộ Công an lần đầu cấp thẻ CCCD có mã vạch in trên thẻ nhựa cứng, dựa trên Luật CCCD. Tuy nhiên, từ 2016-2020, CCCD có mã vạch chỉ được cấp ở 16 tỉnh, thành với lý do là khó khăn về đầu tư hệ thống công nghệ. Tại các địa phương khác, công an vẫn cấp mới chứng minh thư 9 số và 12 số cho người dân theo cách cũ.
Tháng 10/2018, Bộ Công an sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước sau hơn hai năm thí điểm. Tại mặt sau thẻ, cụm từ “Cục trưởng Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư” được thay thành “Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội”. Bộ Công an lý giải do sáp nhập nhiều đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, nên tên cục quản lý về căn cước có sự thay đổi.
Tháng 9/2020, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý CCCD của Bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vận hành từ năm 2021. Kinh phí ước tính gần 2.800 tỷ đồng. Đề án cấp thẻ CCCD gắn chip được Bộ Công an triển khai đồng bộ với những thay đổi được đánh giá là “toàn diện, hiện đại” bắt đầu từ ngày 1/1/2021.
Thẻ CCCD gắn chip có kích thước, hình dáng được giữ nguyên so với thẻ mã vạch. Mặt trước thẻ chứa thông tin truyền thống, gồm: họ tên, quê quán, nơi thường trú và bổ sung thêm biểu tượng chip, mã QR, tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt. Mặt sau vẫn giữ vân tay, đặc điểm nhận dạng song bổ sung chip điện tử cùng dòng MRZ. Dòng chữ MRZ này chứa nhiều thông tin quan trọng về nhân thân nhưng lại gần như vô nghĩa nếu đọc bằng mắt thường. Chỉ khi được quét qua máy đọc chip thì thông tin của chủ thẻ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia mới hiện ra đầy đủ.
Có ý kiến cho rằng lẽ ra Bộ Công an nên có nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để triển khai CCCD gắn chip ngay từ khi có Luật CCCD 2014. Như thế sẽ tránh phiền hà cho người dân. Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an lý giải: “Giai đoạn 2012 triển khai CCCD mã vạch, chúng tôi đã nghiên cứu đến giải pháp chip rồi. Tuy nhiên, giai đoạn đấy kinh phí sản xuất trên thẻ chip là một vấn đề, thứ 2 là thiết bị, công nghệ cũng như trình độ của người dân chưa hoàn toàn phù hợp để sử dụng chíp. Giai đoạn đấy, chúng tôi hình thành mã QR code nhưng cái mã vạch (barcode) trên thẻ CCCD đang là thông dụng và chúng tôi đã nghiên cứu để báo cáo, xin ý kiến tạm thời sẽ sử dụng mã vạch. Đến nay, chúng ta đã hình thành thẻ CCCD gắn chíp để đáp ứng được công nghệ và phát triển của xã hội”.
Và rồi đến nay, Bộ Công an lại công bố thông tin về Dự án Luật CCCD sửa đổi. Theo dự án Luật này, mẫu CCCD sẽ được thay đổi so với CCCD gắn chíp hiện nay, chẳng hạn mục “Quê quán” sẽ chuyển thành “Nơi đăng ký khai sinh”, “Nơi thường trú” thành “Nơi cư trú”, nơi cấp ở mặt sau thẻ được thống nhất ghi lại thành Bộ Công an, các thông tin sinh trắc học không còn hiển thị trên bề mặt thẻ mà được lưu trong chip…
Nhiều người lo ngại rằng những thay đổi này sẽ khiến người dân phải làm CCCD mới, trong khi chỉ mới cách đây 1-2 năm, người dân đã phải thay đổi CCCD/CMND vốn có thành CCCD gắn chíp. Về vấn đề này, Thiếu tá Trần Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an khẳng định: “Khi Luật CCCD mới ra đời, 80 triệu thẻ CCCD đã được cấp sẽ được sử dụng bình thường, không phải thực hiện cấp đổi, cấp lại. Tại vì thông tin đã được lưu trong chip rồi, chúng ta chỉ điều chỉnh thông tin trên bề mặt thẻ để hiển thị rõ ràng và cụ thể hơn”./.