Những ngày qua, nhiều người “ngã ngửa” khi nhận được hóa đơn tiền điện kỳ tháng 5 bởi tiền điện tăng đột biến, có nơi tăng gấp 5 lần những tháng trước đó. Người dân mong muốn có thể theo dõi giá điện minh bạch để giám sát chặt chẽ, cũng như điều tiết việc sử dụng điện trong gia đình hiệu quả.
Tăng đột biến
Nhiều hộ dân ở TPHCM phản ảnh, mấy tháng qua, dù lượng điện tiêu thụ không thay đổi hoặc tăng không đáng kể so với trước nhưng hoá đơn tiền điện tăng rất cao. Anh Lê Minh Uy (ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8) cho biết, anh ở một mình và nhà chỉ dùng 1 máy lạnh, 1 tủ lạnh và 2 bóng đèn. Cả năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, trung bình mỗi tháng anh đóng khoảng 400-450 nghìn đồng tiền điện. Nhưng từ tháng 3 đến nay, mỗi tháng anh phải đóng gần 1,1 triệu đồng tiền điện.
“7h sáng tôi đã ra khỏi nhà và 10-11h đêm mới về đến nhà. Máy lạnh thì đi ngủ mới bật, tới 6h sáng là tắt, chỉ có tủ lạnh là cắm xuyên suốt. Tôi không hiểu vì sao mọi thiết bị đều dùng như cũ mà tiền điện lại tăng gần gấp 3”, anh kể. Khi phản ánh với ngành điện lực, anh Uy được giải thích rằng, do nắng nóng nên tiền điện tăng nhiều. Tuy nhiên, theo anh Uy, mọi hoạt động dùng điện trong nhà anh không có gì bất thường.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (chung cư Lê Thành, quận Bình Tân) cho biết, bình thường mỗi tháng nhà chị chỉ đóng 150-160 ngàn đồng tiền điện nhưng hai tháng gần đây, tiền điện tăng hơn 100 ngàn đồng/tháng. Nhà chị Vân không có máy lạnh, thiết bị điện chỉ có 3 bóng đèn, 1 tủ lạnh và 1 quạt. “Tôi đi làm suốt ngày, không hiểu tại sao tiền điện lại tăng. Thậm chí, có tháng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tôi về nhà người thân ở Tây Ninh chơi 2 tuần và tắt hết các thiết bị điện nhưng tiền điện vẫn tăng, rất khó hiểu”, chị nói.
Hóa đơn tiền điện của chị Trương Thị Mỹ Linh (đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TPHCM) tăng mạnh Ảnh: Duy Quang
Chị Trương Thị Mỹ Linh (đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) cũng tỏ ra bất ngờ khi ngày 8/6 nhận được thông báo đóng tiền điện 1,33 triệu đồng. Những tháng trước, chưa khi nào chị phải trả quá 500 ngàn đồng. “Tôi không hiểu tại sao tiền điện lại tăng mạnh như vậy”, chị Linh nói. Chị cho biết, nhà bố mẹ chị ở Đồng Nai và tiền điện cũng tăng một cách bất thường. Khi hỏi ngành điện lực thì họ nói rằng, điện tăng sao thì ghi nhận như vậy, chị kể. Tuy nhiên, chị Linh thấy không thuyết phục vì so với cùng kỳ năm ngoái, nắng nóng gay gắt, gia đình cũng chỉ đóng không quá 800 ngàn đồng tiền điện.
Tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao diễn ra tương tự ở Hà Nội. Chị Phạm T.H, cư dân Khu đô thị quận Hoàng Mai, cho biết, tiền điện tháng này nhà chị tăng gấp 3 mặc dù nhà không dùng gì quá nhiều. Chị H cho biết, nhà vẫn bật điều hòa như mọi khi, có thể do nắng nóng, điều hòa sẽ “ngốn” điện hơn, nhưng giá điện đang từ 1.059.000 đồng (tiêu thụ 440kWh) lên mức hơn 3 triệu đồng (tiêu thụ 1.091kWh) khiến chị bất ngờ.
Cũng tại khu đô thị này, nhiều người chung cảnh hóa đơn tiền điện tăng gấp 3 so với các tháng liền kề. Anh N, người dân ở quận Hoàn Kiếm, mới đây cũng bức xúc đăng tải dòng trạng thái lên trang cá nhân của mình. Theo đó, trong tháng 5, anh phải trả tiền gần gấp đôi so với tháng 3 và tháng 4, trong khi thời điểm thực hiện cách ly xã hội mới là lúc dùng điện “kỷ lục” của gia đình. Tháng 5 vừa qua, anh còn đi công tác rất nhiều ngày.
Đặc biệt, có một số trường hợp tiền điện kỳ này tăng gấp hơn 5 lần so với tháng liền kề. Anh Hoàng (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói rằng, tiền điện nhà anh tăng vọt từ 170.000 đồng lên 915.508 đồng. Theo anh, mức tăng này so với các tháng trước là quá cao dù có dùng điều hòa nhiệt độ nhiều hơn. Anh đã gọi lên tổng đài hỗ trợ khách hàng của Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI). Nhân viên hỗ trợ của EVN HANOI khẳng định đồng hồ không có vấn đề, mức tăng ở đây là do mức tiêu thụ điện tăng cao, đồng thời hướng dẫn gia đình cách tự theo dõi trên công tơ điện tử.
Tuy vậy, cách giải thích tiền điện tăng do tiêu thụ nhiều điện không thuyết phục được nhiều người dân. Theo anh Hoàng, nhà anh chỉ có 1 người, thời gian qua có sửa sang nhà nên sử dụng thêm một số thiết bị điện tức thời như que hàn, máy cắt…, cộng cả tiền điều hòa sử dụng nhiều hơn trong ngày nắng nóng thì mức tăng gấp 5 cũng khó chấp nhận. “Người dân cần sự minh bạch thông tin từ phía EVN HANOI, nếu tất cả công khai, rõ ràng, chắc chắn không ai thắc mắc nữa”, anh Hoàng nói.
Cần đơn vị độc lập để rà soát, kiểm tra
Sau khi các ý kiến được phản ánh trên báo chí, phương tiện truyền thông, EVN HANOI đã cử nhân viên hỗ trợ tới nhiều gia đình để kiểm tra, đối chiếu công tơ. Đối với những phản ảnh của người dân về việc tăng giá điện, EVN HANOI trả lời rằng, giá điện không tăng từ năm 2019 đến nay. Việc sử dụng điện tăng cao do cao điểm nắng nóng khiến tiền điện tăng. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng gấp đôi thì tiền điện sẽ tăng gấp 3 hoặc hơn gấp 3 do chính sách tính giá điện bậc thang.
Đối với gia đình anh N ở quận Hoàn Kiếm, EVN HANOI đã liên lạc và thống nhất với khách hàng mang công tơ đi kiểm định. Sau khi có kết quả kiểm định, phía điện lực sẽ thông báo tới khách hàng. “Bất cứ khách hàng nào phản ảnh về tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến, để minh bạch, chúng tôi sẽ mang từng công tơ đi kiểm định”, đại diện EVN HANOI cho hay.
Để thuận tiện, minh bạch trong việc tính tiền điện, EVNHANOI có cung cấp công cụ giúp khách hàng tự tính toán tiền của gia đình mình. Công cụ tính toán có tính rõ giá điện từng bậc, rất dễ hiểu. Khách hàng có thể truy cập trang web của EVN HANOI để tính.
Theo thống kê của EVNHANOI, mới đầu hè nhưng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tăng cao hơn nhiều so với các tháng trước liền kề. Tháng 4, sản lượng điện bình quân đạt 42,99 triệu kWh. Tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu một đợt nắng nóng duy nhất trong vòng 2 ngày (ngày 20 và 21/5), nhưng lượng điện tiêu thụ bình quân cả tháng ở mức 62,6 triệu kWh, tăng 45% so với tháng 4.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng, điện là ngành kinh doanh độc quyền, do đó cần một hội đồng chuyên gia độc lập gồm các nhà khoa học có uy tín để có thể đánh giá về các lĩnh vực chuyên môn về điện. “Điện là hệ thống đã triển khai rộng, cách tính phức tạp, do đó cần có tiếng nói có trọng lượng, có sức thuyết phục, am hiểu về ngành”, ông Doanh nói. Không chỉ ở cách tính giá điện mà còn phải hiểu về hệ thống truyền tải, phân phối điện, các khâu hiện nay đang có ý kiến. Theo ông Doanh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có chia sẻ hợp lý với người dân.
Tiền vào túi ai?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Lê Minh Hoàng nói: Với chính sách giá điện bậc thang, nếu sản lượng điện tiêu thụ của người dân trong tháng tăng gấp đôi, thì tiền điện sẽ tăng tương ứng gấp 3 lần. Đó là nguyên nhân khiến hoá đơn điện tăng cao. Chuyên gia này cho rằng, hiện nay, việc tính giá điện theo nhiều bậc, nhiều mức giá đã gây ra những khó khăn trong ghi chỉ số công tơ, trong thanh toán tiền điện với khách hàng và cả việc theo dõi tính toán kiểm tra của người tiêu dùng điện đối với việc sử dụng điện theo nhiều bậc thang hằng tháng của mình. “Để minh bạch giá điện, nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để kiểm tra”, ông Hoàng nói.