Trầm cảm là bệnh tâm lý nguy hiểm đang ngày càng lan rộng trong cuộc sống hiện tại. Dằn vặt, tự nhốt mình trong những cảm xúc tiêu cực chỉ khiến bạn lún sâu hơn vào bế tắc. Hãy học các tự tha thứ cho chính mình để tìm lại cuộc sống vui vẻ.
Trầm cảm không đơn thuần là một bệnh về tâm lý, nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tổng thể của bạn và những hậu quả nghiêm trọng hơn bạn nghĩ. Những người bị trầm cảm ở mức độ nặng có thể có suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến không kiểm soát được hành vi, tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử.
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và mối lo khiến nhiều người có thể rơi vào trạng thái trầm cảm mà không hay biết. Chẳng ai có thể hiểu được, tại sao cùng hoàn cảnh tương tự nhưng có người bị trầm cảm trong khi người khác lại không. Cũng không ai có thể hiểu được một người bị trầm cảm. Bên cạnh sự thấu hiểu, hỗ trợ về tinh thần từ những người xung quanh, người bị bệnh trầm cảm phải tự đấu tranh với chính mình để vượt qua căn bệnh quái ác này.
Một trong những điều đầu tiên bạn cần làm để vượt qua trầm cảm chính là học cách tha thứ.
Tại sao mọi người khó tha thứ cho nhau?
Mọi người thường nghĩ rằng, nếu mình tha thứ thì mọi tổn thương sẽ như chưa bao giờ xảy ra. Một số khác thì lại cố chấp cho rằng những ai đã phản bội hoặc gây ra đau đớn cho họ thì không đáng được bỏ qua. Những suy nghĩ này như một vòng tròn khiến cho họ bị mắc kẹt và lặp đi lặp lại sai lầm, bế tắc trong cảm giác hận thù, tội lỗi…
Thực tế rằng, chúng ta tha thứ không phải vì một ai đó. Chúng ta cũng không cần giả vờ như những sai lầm đó, tổn thương đó chưa từng xảy ra. Thay vào đó, chúng ta nên tha thứ cho chính mình để vượt qua nỗi đau.
Suy nghĩ tha thứ là một hành động phản bội chính bản thân mình là một lý do khiến chúng ta khó bỏ qua cho người khác. Nó sẽ khiến chúng ta tiếp tục bị tổn thương hết lần này đến lần khác.
Nhưng bạn có nhận ra, cảm giác oán giận, cay đắng chẳng đem lại lợi ích gì ngoài cầm tù bạn trong những xúc cảm tiêu cực? Bạn cảm thấy mình là nạn nhân đáng thương nhưng thực chất chính bạn đang làm hại bạn. Làm thế nào để tiếp tục sống hạnh phúc nếu bạn chấp nhận nhốt mình trong một chiếc lồng chỉ toàn những suy nghĩ tiêu cực?
Học cách tha thứ cho bạn điều gì?
Có nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy mối liên hệ giữa sự tha thứ và sức khỏe. Karen Swartz, một bác sĩ tâm thần của Johns Hopkins Medicine chia sẻ rằng: “Tổn thương và thất vọng có thể gây ra một gánh nặng lớn về thể chất”. Ví dụ như những cơn giận dữ thường xuyên sẽ khiến bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, dẫn đến nhiều thay đổi về nhịp tim, huyết áp và đáp ứng miễn dịch. Những thay đổi đó, sau này, làm tăng nguy cơ trầm cảm, bệnh tim và tiểu đường, cùng một số căn bệnh khác.
Tha thứ, mặt khác, là liều thuốc để có một trái tim khỏe mạnh, một giấc ngủ ngon và những mối quan hệ đẹp. Khi tha thứ cho người khác, cũng là lúc bạn được tự do, giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực và lắng nghe thông điệp của tâm hồn mình. Chúng ta biết yêu thương bản thân mình hơn, kết nối với nhiều mối quan hệ sâu sắc hơn và tìm thấy sự từ bi ẩn sâu trong chính mình. Ở sâu bên dưới nỗi khổ đau là niềm vui thành thật. Bạn sẽ giải thoát con tim mình khỏi nhà tù oán hận, mở ra một cuộc sống mới – một cuộc sống mà bạn vẫn luôn luôn mơ ước.
Bạn hoàn toàn có thể học cách tha thứ, như những cách dưới đây:
1. Kết nối với cảm xúc
Học cách hài lòng với thực tại mà không phán xét. Hãy nhẹ nhàng với bản thân và chào đón mọi điều đang đến. Chấp nhận việc đã xảy ra mà không đổ lỗi cho bất cứ ai. Bạn có thể viết ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình để hiểu rõ bản thân mình hơn.
Sau đó, hãy tự hỏi bản thân có thể làm gì để thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực đó? Đi dạo, làm những việc bạn thích, viết một bức thư Tha thứ hay trò chuyện với bạn bè… đều là lựa chọn thông minh.
2. Bỏ qua quá khứ
Muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, điều tiên quyết là bạn phải bỏ qua những câu chuyện không vui trong quá khứ. Chúng ta thường mang theo những kí ức buồn bã, để chúng đè nặng xuống cảm xúc và che khuất tầm nhìn khiến chúng ta không thể bước tiếp đến cuộc sống hạnh phúc.
Hãy thực hành sống cho hiện tại bằng cách ngồi yên tĩnh lặng và lắng nghe nhịp thở cũng như suy nghĩ của bản thân. Hoặc bạn cũng có thể đi ra ngoài và nhìn ngắm vạn vật, tận hưởng vẻ đẹp xung quanh. Nếu không nữa thì hãy viết nhật ký, giải phóng bản thân khỏi những cảm xúc đang bị mắc kẹt bằng cách tự hỏi và trả lời các câu hỏi sau: Mình sẽ là người như thế nào nếu không có nỗi tức giận và đau đớn này? Cuộc sống của mình sẽ thay đổi thế nào nếu như những tổn thương này không có?
3. Lấy lại sức mạnh của bản thân
Đây là lúc viết nên chương mới cho câu chuyện cuộc đời bạn. Hãy nhớ rằng, bạn không sinh ra để trở thành một nạn nhân và bạn sẽ không chỉ tha thứ một lần duy nhất trong đời. Không ai có quyền làm bạn tức giận trừ phi bạn đồng ý.
Khi những cảm xúc đau đớn quay trở lại, tự nhắc bản thân mình rằng bạn đang chọn cách tha thứ: Bạn chọn cách giành lại sức mạnh của mình, và bạn chọn yêu thương.
Sự sẵn sàng cần đến từ sâu bên trong chúng ta. Bạn sẽ tìm thấy nó khi bạn bắt đầu tin rằng sống hạnh phúc, vui vẻ, có ý nghĩa, và tràn đầy tình yêu là những quyền dành riêng cho bạn.
4. Trân trọng những bài học đã có
Mỗi kinh nghiệm bạn trải qua chính là một bài học ý nghĩa trong cuộc đời. Đó có thể là những cảm xúc đau đớn nhưng nó đồng thời cũng giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Ngay cả khi bạn cho rằng cuộc sống không công bằng với mình thì đó vẫn là một phần không thể tránh trong cuộc sống. Nếu bạn mở lòng để nhìn thẳng vào chúng, bạn sẽ nhận ra khoảng thời gian đen tối giúp bạn trưởng thành hơn nhanh chóng. Với nhiều người, khó khăn không thể vùi dập họ. Khó khăn là chất xúc tác để họ tạo ra một chương mới nhiều cảm hứng hơn trong câu truyện về cuộc đời mình.
5. Trao tặng tình yêu
Khi đã trải qua được hết những điều trên cũng là lúc bạn đủ tự do để gửi tình yêu thương đến cả những người xung quanh. Ban đầu có thể sẽ khó khăn, nhưng đến lúc trò chơi thay đổi rồi. Thay vì gửi những lời trách móc, mắng giận đến người làm bạn tổn thương, hãy gửi đến họ lòng yêu thương. Lúc bạn làm được điều này là khi giữa hai bên không còn mối nợ nần tình cảm nào nữa. Bạn hoàn toàn có thể ăn mừng tự do của mình với một trái tim đầy hạnh phúc rồi!
Và cũng đừng quên tha thứ cho chính mình. Đừng nghĩa rằng nếu bạn làm khác đi trong quá khứ thì mọi chuyện đã khác. Bạn chẳng thể thay đổi quá khứ nên đừng để quá khứ cầm tù. Hãy nhìn thấy những giá trị tốt ở quyết định đã nói ra và tìm ra bài học cho chính mình. Khi bạn hiểu được vấn đề rõ ràng, bạn đã giải phóng mình khỏi quá khứ và bắt đầu hành trình tiến về một tương lai hạnh phúc hơn.