Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ vốn hợp lý vào các kênh đầu tư và giữ nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ vốn hợp lý vào các kênh đầu tư và giữ nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Ông có nhận định thế nào về triển vọng các kênh đầu tư trong những tháng cuối năm 2023?
Hiện nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các nhà băng đang thấp kỷ lục. Nhiều người dự đoán dòng tiền sẽ có xu hướng đảo chiều, chảy sang một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, thực tế các thị trường này cũng chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Cụ thể, kênh bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, cùng với đó là sự suy giảm lòng tin từ phía nhà đầu tư, thanh khoản thấp, cung – cầu lệch pha, số vốn bỏ ra lớn. Vì thế, đây chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong những tháng cuối năm.
Đối với kênh ngoại tệ, dù tỷ giá có áp lực ở một số thời điểm nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt và duy trì ổn định. Vì vậy kênh này sẽ không có tỷ suất sinh lời cao cho nhà đầu tư. Với đầu tư vàng thì hiện giá đã ở mức cao và khó có kỳ vọng tiếp tục tăng.
Sáng giá nhất hiện nay có thể kể là chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu nhiều tác động của thị trường thế giới. Chính vì vậy, người dân cũng chưa dám mạnh dạn đổ tiền cho kênh đầu tư này.
Do đó, có thể thấy hiện dòng tiền vẫn ở lại trong hệ thống ngân hàng để chờ nghe ngóng diễn biến từ các kênh đầu tư trên. Một số ít chảy sang các kênh đầu tư khác mang tính chất thăm dò thị trường, chưa có gì rõ nét.
Vậy có phải gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là “bến đỗ” an toàn được nhiều người lựa chọn, thưa ông?
Có thể thấy dù lãi suất tiết kiệm giảm kỷ lục nhưng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn không ngừng tăng. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động người dân tìm đến “hầm trú ẩn” an toàn hơn cho tài sản của mình và ở đây là kênh tiết kiệm, dù tỷ suất sinh lời không cao và hấp dẫn như những kênh đầu tư khác. Vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều gam màu sáng sẽ khó có chuyện tiền gửi tiết kiệm ùn ùn chảy sang chứng khoán hay bất động sản.
Tất nhiên, khi kinh tế khởi sắc, dòng tiền có dấu hiệu xoay chiều sang các kênh đầu tư khác. Nhưng ngân hàng cũng còn nhiều công cụ khác để giữ dòng tiền gửi ở lại.
Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư trong năm 2024?
Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước, những tháng còn lại của năm 2023, cả năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm của từng cá nhân. Và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người. Nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ “bắt đáy” của thị trường bất động sản hay chứng khoán vào lúc này, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt. Còn nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang một số kênh khác. Tuy nhiên nguyên tắc bất di bất dịch là “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Dù triển vọng của kênh đầu tư chứng khoán rất sáng sủa, nhưng người dân cũng nên tỉnh táo, không chạy theo đầu cơ mà xác định đây là kênh đầu tư dài hạn. Hiện hơn 95% nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường là đầu cơ với mong muốn giàu nhanh, tuy nhiên việc này khó xảy ra trên thực tế, sớm muộn gì cũng sẽ gặp rủi ro. Thay vào đó, nên tập trung vào các mã cổ phiếu giá trị và không kỳ vọng quá nhiều tỷ suất sinh lời cao. Đồng thời, phải luôn chú ý quản trị rủi ro danh mục, tránh đầu tư theo tin đồn.
Xin cảm ơn ông!