Theo Niên giám thống kê, mật độ dân số của Việt Nam năm 2021 là 297 người/km2.. Trong đó, 4/5 địa phương có mật độ dân số cao nhất nằm tại khu vực phía Bắc.
Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,5 triệu người, tăng 923,5 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Trong đó, dân số thành thị 36,6 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,9 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,4 triệu người, chiếm 50,2%.
Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 20213 đạt 50,6 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2021 là 49,1 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước năm 2021 ước tính là 3,20%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,33%; khu vực nông thôn là 2,50%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,10%, trong đó tỷ lệ thiếu việc của lao động nam là 3,23%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ là 2,94%.
Năm 2021, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, tương ứng là 1.091 người/km2 và 778 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 136 người/km2 và 111 người/km2.
Địa phương có mật độ đông dân nhất Việt Nam hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh với 4.375 người/km2. Mật độ dân số của thành phố Hồ Chí Minh hiện cao gấp 14,73 lần cả nước (297 người/km2).
Mật độ dân số của thành phố Hồ Chí Minh cao do tốc độ gia tăng dân số nhanh. Theo Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tập trung nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nên kéo theo nhu cầu lớn về lực lượng lao động. Chính vì vậy, dân số tại thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh.
Trước đây, phần lớn dân số tập trung ở các quận trung tâm, nội thành. Tuy nhiên, Cục Thống kê thành phố cho biết, dân số đang có xu hướng giảm ở quận trung tâm và nội thành, tăng nhiều ở các quận vùng ven, quận mới, tăng cao ở các huyện. Đây được xem là xu thế tất yếu của các thành phố lớn khi quỹ đất ở khu vực thành thị không còn nhiều, vì vậy các dự án sản xuất kinh doanh, nhà ở đều chuyển về vùng ven, nông thôn.
Thành phố Hà Nội đứng thứ hai với mật độ dân số đạt khoảng 2.480 người/km2, cao gấp 8,3 lần so mật độ dân số cả nước. Theo UBND thành phố Hà Nội, dân số của thành phố trong 10 năm qua tăngphần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Việc gia tăng dân số tại các quận lõi nội đô đang tạo ra nhiều sức ép như quá tải đối với công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống.
Địa phương có mật độ dân số đứng thứ 3 cả nước là Bắc Ninh. Cụ thể, mật độ dân số của Thanh Hóa là 1.778 người/km2. Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh, mật độ dân số tỉnh tăng cao do số người nhập cư luôn tăng cao hơn số người xuất cư ra khỏi địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Lý do dẫn đến hiện tượng này là do các khu, cụm công nghiệp, làng nghề của Bắc Ninh phát triển mạnh.
Ở vị trí thứ tư là Hưng Yên với 1.381 người/km2. Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 5 với mật độ dân số đạt khoảng 1.358 người/km2.
Theo Niên giám thống kê, năm 2021, chỉ số phát triển con người đạt 0,726, cao hơn so với năm 2020 (0,706). Thu nhập bình quân đầu người một tháng ước tính đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020, trong đó khu vực thành thị đạt 5,4 triệu đồng, giảm 3,6%; khu vực nông thôn đạt 3,5 triệu đồng, tăng 0,1%.
Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 theo giá hiện hành so với năm trước của một số vùng trên cả nước đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng giảm 1,1%; vùng Đông Nam Bộ giảm 3,8%; vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 4,2%. Ở chiều ngược lại, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 3,4%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 2,6%; vùng Tây Nguyên tăng 1,4%.