“Tôi hoảng sợ khi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ ổn định và bình thường trở lại…”, lời chia sẻ từ một phụ nữ đang ở tận cùng của tuyệt vọng khi mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Bên cạnh bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực là một căn bệnh tâm lý khá phổ biến trong xã hội. Theo ước tính của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, 2,8% số người trưởng thành tại nước này mắc bệnh rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder – RLLC). Số liệu thống kê năm 2019 cũng cho thấy, căn bệnh này đang ảnh hưởng tới khoảng 45 triệu người trên toàn cầu.
Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có thể thay đổi tâm trạng rất nhanh. Họ có thể trải qua trạng thái hưng phấn, vui vẻ nhưng chỉ trong một phút sau lại cảm thấy chán nản về mặt tinh thần, hụt hẫng tột độ…
Những người như vậy không thể giữ một công việc ổn định. Các mối quan hệ của họ với bạn bè và gia đình đều bị ảnh hưởng. Họ dễ nổi cơn thịnh nộ và hoàn toàn mất kiểm soát. Đối với những người thực sự sống với chứng rối loạn lưỡng cực, cuộc sống của họ có thể rất khác so với những gì chúng ta thường nghĩ.
Dưới đây là một chia sẻ đến từ những người đã từng sống chung với chứng rối loạn lưỡng cực.
Julianne, 25 tuổi: “Cảm xúc của tôi dâng trào không thể kiểm soát đến mức tôi muốn chết”
“Lúc đầu, chứng lưỡng cực không nguy hiểm đến tính mạng. Vào năm thứ nhất trung học, rất may việc học vẫn ổn. Nhưng vào đầu năm hai, khi tôi cố gắng nghiên cứu hoặc đọc một thứ gì đó, tâm trí tôi sẽ quay cuồng qua từng chi tiết khủng khiếp của cuộc đời mình. Tôi không thể tập trung trong bất cứ công việc gì. Mỗi đêm, tôi đều gào thét vào gối, run rẩy và khóc. Cảm xúc của tôi dâng trào đến mức tôi muốn chết. Tôi luôn tự nhủ rằng rồi mọi thứ sẽ tốt hơn, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục trong nhiều tháng.
Tôi bắt đầu dùng dao kéo làm tổn thương cơ thể mình. Tôi cảm thấy đau đớn về tinh thần đến mức tôi có thể cắt và cào da để cố gắng làm tê liệt bằng cách nào đó. Tôi cũng bị rối loạn tâm thần và hoang tưởng rằng có rắn trên tường và có người theo dõi tôi. Tôi không thể ngủ trong nhiều ngày liên tiếp. Một tháng trước khi tôi tròn 16 tuổi, tôi được chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực mức I tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần ngoại trú dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Bây giờ, tôi là một người trưởng thành thực sự hạnh phúc với những người bạn tuyệt vời, một người bạn đời, một ngôi nhà và công việc khiến tôi tự hào. Tôi đã không nghiện rượu trong khoảng tám năm. Nhưng tôi vẫn không nói với mọi người về quá khứ của mình trừ khi họ là bạn thân. Các phương tiện truyền thông thường miêu tả những người bị bệnh tâm thần như những nhân vật một chiều, cuộc sống tù túng. Nhưng cuộc sống của họ đã tan vỡ theo nhiều cách khác nhau và họ chỉ đang cố gắng sống sót. Bạn không phán xét những điều mà bạn không hiểu”.
Emma, 25 tuổi: “Nó khiến tôi phát điên, tôi đã mất nhiều năm chịu đựng nỗi đau của bệnh trầm cảm”
Tôi được chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực II năm 14 tuổi. Giờ đây, chứng trầm cảm của tôi đã dễ dàng xử lý hơn bao giờ hết, một phần là do ngày càng nhiều người quan tâm tới bệnh này hơn nên việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng cũng dễ dàng hơn. Tôi ghét tình trạng lưỡng cực của mình ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của tôi với con cái và người thân.
Tôi luôn tìm kiếm những câu chuyện tích cực về các bậc cha mẹ lưỡng cực nuôi dạy con cái bằng các mối quan hệ lành mạnh để học tập. Khi thấy những suy nghĩ, những định kiến sai lầm về chứng rối loạn lưỡng cực tôi thực sự khó chịu. Căn bệnh này khiến tôi phát điên, tôi đã phải chịu đựng nỗi đau của bệnh trầm cảm trong nhiều năm. Tôi nghĩ rằng thật khó để mọi người hiểu rằng những cơn điên của tôi là thời điểm tôi đau đớn nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của tôi.
Danielle, 29 tuổi: “Ý nghĩ tự tử xuất hiện khi tôi suy sụp thực sự rất khó khăn”
“Trước khi được bác sĩ tâm thần chẩn đoán, tôi đã trải qua tâm trạng thất thường dữ dội và có những hành động, phản ứng thái quá đối với các tình huống thường ngày. Tôi từng hướng về những người thân yêu của mình để hỗ trợ, nhưng tôi không muốn tạo gánh nặng cho bất kỳ ai. Con chó của tôi luôn là một sự ủng hộ thầm lặng, và viết nhật ký cùng thiền định là một cách trị liệu vô cùng hữu ích”.
Eryn, 42 tuổi: “Tôi không thể ra khỏi giường, không tắm, không ăn”
“Tôi được bác sĩ tâm thần chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực II khi tôi khoảng 30 tuổi. Trước khi tôi được chẩn đoán, trạng thái tâm lý của tôi đang ở trong tình trạng lưỡng cực (cực kì vui hoặc cực kì buồn). Tôi trở nên liều lĩnh với hành vi của mình, may mắn là tôi chưa bao giờ bị thương. Tôi đã uống rất nhiều để lấy lại tinh thần và cố tin rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, nhưng sau đó tôi bị trầm cảm trong nhiều tuần. Tôi không thể ra khỏi giường, không tắm, không ăn.
Tôi có một người chồng yêu thương và một cậu con trai ba tuổi. Mẹ tôi trở thành điểm tựa trong khoảng thời gian khó khăn ấy. Khi tôi mới dùng thuốc, mẹ đã ở lại với tôi vài tuần để đảm bảo tôi ổn định và ở bên tôi rất nhiều trong thời gian đó.
Trầm cảm là điều khiến tôi sợ nhất về chứng lưỡng cực. Bạn sẽ tuyệt vọng đến mức bạn không muốn thức dậy nữa bất kể cuộc sống có tuyệt vời như nào. Tôi cũng sợ rằng cuối cùng con trai tôi sẽ mắc chứng lưỡng cực. Nhưng tôi muốn mọi người biết rằng mặc dù lưỡng cực có thể là một chứng rối loạn khó chữa, nhưng hầu hết chúng ta đều có thể sống một cuộc sống hoàn toàn ‘bình thường’. “
Hannah, 28 tuổi: “Tôi hoảng sợ khi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ ổn định và bình thường trở lại”
“Tôi được chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực II khi tôi 26 tuổi. Trước đó, gia đình và bạn bè của tôi đã mô tả tôi là ‘cực đoan’, cho nên mọi người đều không bất ngờ với kết quả chẩn đoán lắm. Tôi chỉ cảm thấy hoàn toàn trống rỗng. Sau đó không lâu, tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn theo một cách mà vẫn khó diễn tả. Mọi thứ như nhanh hơn: nhịp tim của tôi tăng lên, tôi không thể theo kịp suy nghĩ của mình và tôi không thể ngồi yên hoặc ngủ. Tôi đã mất năm ngày chỉ ngủ một hoặc hai giờ một đêm, nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi.
Tôi hành động một cách cảm tính và điên rồ, chẳng hạn như bắt đầu chi hàng trăm đô la cho những thứ mà tôi không bao giờ đụng đến, xăm mình và cạo đầu. Rồi một ngày, tôi có thể ngủ và lòng tôi dịu lại tuy nhiên điều đó không kéo dài. Sau đó lại là những cơn ác mộng. Tôi dần trở nên tức giận vô cớ. Tôi luôn căng thẳng về mọi thứ, phá hoại, hung hăng và giận dữ. Tôi có thể tự tử vào bất cứ lúc nào tôi muốn. Những trạng thái khác nhau này cứ thế lặp đi lặp lại.
Phải mất một năm trị liệu tình trạng của tôi mới dần ổn định, trong quá trình đó tôi đã mất đi người bạn trai và bạn thân của mình bởi họ không thể tiếp tục chịu đựng. Bây giờ tôi đang dùng nhiều loại thuốc và ổn định hơn rất nhiều. Khi tôi thực sự căng thẳng hoặc có những thay đổi lớn xảy ra, tôi bắt đầu đạp xe hoặc thiền. Các triệu chứng của tôi hiện đã bớt dữ dội hơn, nhưng chứng trầm cảm vẫn còn và ảnh hưởng nhẹ.
Tôi hoang mang khi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ ổn định và bình thường trở lại được nữa. Tôi sợ hãi khi phải phụ thuộc quá nhiều vào thuốc điều trị tâm thần để đạt được cảm xúc ổn định. Bây giờ, tôi đang hoàn thành chương trình Tiến sĩ, tôi duy trì công việc ổn định, tôi sống tự lập và chăm sóc bản thân tốt.
Trải qua chứng rối loạn lưỡng cực là cả một trải nghiệm đầy khó khăn và thách thức. Vì vậy khi có những dấu hiệu căng thẳng, bạn hãy dừng mọi thứ lại và tập trung yêu thương bản thân, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Và dù trong bất cứ tình trạng nào, hãy luôn nhớ rằng bạn không chỉ có một mình!
Theo Health