Để chuẩn bị được mâm ngũ quả tươm tất cho các dịp lễ đặc biệt như Tết Nguyên đán sắp tới, các gia đình cần nắm rõ thành phần của mâm bao gồm những loại quả gì.
Trong văn hóa Á Đông nói chung hay văn hóa Việt nói riêng, ban thờ là một trong những khu vực quan trọng và linh thiêng nhất của một gia đình. Đặc biệt vào những dịp lễ, Tết hay ngày mồng 1, rằm Âm lịch hàng tháng, ban thờ sẽ được bày các nhiều lễ vật hơn.
Một trong những lễ vật dâng lên ban thờ vào các dịp trong đại, không thể thiếu mâm ngũ quả. Đúng như tên gọi, mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và thật sự hiểu đúng về những loại quả cần có trong mâm ngũ quả. Trên thực tế, mỗi vùng miền lại có sự khác biệt nhất định khi lựa chọn và sử dụng các loại quả để bày trong mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả trên ban thờ gồm những gì?
Nói về mâm ngũ quả trên ban thờ gồm những gì, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh, chuyên gia Văn hóa dân gian của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã giải thích dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Đầu tiên là dựa trên các yếu tố liên quan đến ngũ hành. Ngũ hành bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây cũng vốn được cho là 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Vì vậy, mâm ngũ quả có thể được bày theo 5 loại quả có màu sắc khác nhau, tượng trưng cho 5 yếu tố ngũ hành kể trên. Cụ thể yếu tố Kim sẽ là quả màu trắng; yếu tố Mộc sẽ là quả màu xanh; yếu tối Thủy sẽ là quả màu đen; yêu tố Hỏa sẽ là quả màu đỏ; còn yếu tố Thổ là quả màu vàng.
Bên cạnh đó, còn có quan niệm cho rằng ngũ quả tượng trưng cho 5 chữ, thể hiện 5 ước muốn của con người, gọi là Ngũ Phúc. Ngũ Phúc bao gồm: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Cũng có những nơi gia chủ lựa chọn các loại quả bày trên mâm ngũ quả dựa trên tên gọi hay hay màu sắc rực rỡ, đẹp mắt…
Cũng chính bởi quan niệm mỗi vùng, mỗi nơi thậm chí ở mỗi gia đình mỗi khác, nên có thể dễ dàng bắt gặp những mâm ngũ quả được bài trí khác nhau. Sự khác biệt có thể thấy rõ rệt nhất qua các gia đình ở 3 miền khác nhau: Bắc, Trung, Nam.
Đầu tiên là ở miền Bắc, mâm ngũ quả truyền thống thường có các loại quả là nải chuối xanh, bưởi, đào, hồng và cam (hoặc quýt). Mỗi loại quả lại được cho là mang một ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:
– Nải chuối có phần cuống của các quả chụm vào, tượng trưng cho sự sum họp gia đình
– Quả bưởi tượng trưng cho sự thành đạt và thịnh vượng
– Quả hồng tượng trưng sự cho sự phú quý và may mắn
– Quả đào tượng trưng cho hạnh phúc và niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp
– Quả cam hay quýt tượng trưng cho sức khỏe và thành công
Bên cạnh đó, tùy theo từng thời điểm hoặc theo sở thích của gia chủ, có thể thay bưởi bằng phật thủ, hoặc thay một số loại quả còn lại bằng đu đủ, sung, lê, táo hay lựu. Nhưng nhất định mâm ngũ quả của người miền Bắc vẫn cần có nải chuối làm đế.
Tiếp đến là ở miền Trung. Các loại quả thường được sử dụng trong mâm ngũ quả có thể kể tới dưa hấu, cam, hồng, đu đủ, bưởi, quýt. Sự lựa chọn về hoa quả ở vùng này được đánh giá là kém đa dạng hơn so với 2 miền Nam, Bắc bởi yếu tố khí hậu, việc trồng trọt cũng khó khăn hơn.
Cuối cùng là mâm ngũ quả ở miền Nam, sẽ có mãng cầu gai, xoài, đu đủ, sung và dừa. Trong đó quả mãng cầu gai mang ý nghĩa cầu chúc cho những điều tốt lành, bình yên, sức khỏe và thịnh vượng; quả xoài chứa đựng niềm mong mỏi có của cải được đủ đầy; quả đu đủ cũng tương tự, thể hiện mong ước về đời sống vật chất, đời sống tinh thần được ấm êm, viên mãn; quả sung tượng trưng cho sự sung túc; còn quả dừa dựa trên tiếng phát âm của người Nam, tức là vừa, biểu tượng cho sự no đủ, vừa vặn, một năm mới viên mãn.
Tuy nhiên, dù ở vùng miền nào, có những loại quả thế nào, thì quy tắc chung được áp dụng để bày mâm ngũ quả hoàn hảo, đó là sẽ có một loại quả to, nặng, đặt ở dưới làm đế. Những quả nhỏ hơn, có trọng lượng nhẹ hơn sẽ được bày lên trên hoặc xen kẽ sao cho lấp đầy các chỗ trống. Tổng thể mâm ngũ quả trông được đẹp mắt, các quả dù khác nhau những vẫn có sự liên kết về vị trí, không bị rơi rụng.
Tổng hợp