Đối với các doanh nghiệp, việc theo đuổi chiến lược Phát triển bền vững (PTBV) trở thành con đường tất yếu để phát triển lâu dài, bền vững và cũng là sự “phòng ngự” cho những đợt biến động. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng liên tục tìm kiếm tệp doanh nghiệp này bởi những giá trị lâu dài mà PTBV mang lại cho cổ đông.
Những năm gần đây, từ khóa PTBV hay ESG E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp) đã trở nên phổ biến ở cả Việt Nam lẫn thế giới khiến những nhà đầu tư ngại nghiên cứu chuyên sâu nhất cũng bắt đầu dành thời gian tìm hiểu bộ tiêu chuẩn này.
Bài viết này chúng tôi phân tích chiến lược đầu tư ESG của một cổ phiếu thuộc “rổ” VN30 – Vinamilk, từ đó, giúp nhà đầu tư hiểu rõ những doanh nghiệp đầu tư ESG đáng giá như thế nào.
Chủ động và cam kết mạnh mẽ từ chiến lược đến lộ trình
Vinamilk cam kết tiếp tục giữ vững động lực phát triển vì tương lai tốt đẹp – tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, tạo thêm nhiều giá trị cả về Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Đây là tuyên bố từ Ban lãnh đạo của Vinamilk về định hướng PTBV.
Năm 2012, lần đầu tiên Vinamilk công bố cuốn báo cáo PTBV. Khi đó, báo cáo này không bắt buộc và được doanh nghiệp tự nguyên công bố. Hàng năm báo cáo PTBV được Vinamilk thực hiện theo tiêu chuẩn GRI Standards và có kiểm toán độc lập của bên thứ 3, qua đó cung cấp một bức tranh chi tiết và đầy đủ về các thực hành PTBV cũng như kết quả đạt được.
Mục tiêu và chiến lược PTBV của Vinamilk đều được định hướng gắn với các Mục tiêu PTBV của Liên Hiệp Quốc (17 Sustainable Development Goals) và Khung PTBV ngành sữa toàn cầu (Dairy Sustainability Framework).
11 khía cạnh trọng yếu trong PTBV tại Vinamilk
Ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa sản xuất để đạt mục tiêu “xanh”
Đơn cử, Vinamilk liên tục đầu tư, mở rộng các trang trại theo nhiều tiêu chuẩn quốc tế như Organic Châu Âu, Global G.A.P hay các nhà máy với chuẩn FDA, FSSC 22000… Các hệ tiêu chuẩn này thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn ban đầu, quá trình thực hiện – kiểm tra – duy trì hàng năm, tuy nhiên những giá trị về dài hạn như: thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên – nhiên liệu, quản lý hiệu suất… mang lại sau đó là rất lớn.
Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong áp dụng nhiều giải pháp công nghệ “xanh”. Mới đây nhất, Carbon hữu cơ được sử dụng tại các trang trại bò sữa trong nước. Công nghệ này phát huy hiệu quả trong việc xử lý mùi hôi, vệ sinh môi trường và xua đuổi ruồi muỗi, giúp cho môi trường không khí trở nên trong lành.
Vận dụng tư duy “kinh tế tuần hoàn”, giảm chi phí – tăng giá trị
Trong nhiều năm qua, Vinamilk đã tiên phong thực hành Kinh tế tuần hoàn với 3 định hướng chính: Giảm và sử dụng tối ưu lượng vật liệu sử dụng trong sản xuất; Nâng cấp và thay thế vật liệu thô bằng các vật liệu thân thiện với môi trường; Tăng cường tái sử dụng, tái chế.
Tất cả các trang trại của Vinamilk hiện nay đều đang xử lý chất thải từ đàn bò qua hệ thống Biogas. Trong nông nghiệp, mô hình này phát huy hiệu quả xử lý triệt để chất thải ra môi trường, giảm lượng khí thải. Đồng thời quy trình này giúp tận dụng nguồn phân hữu cơ và nước bón cho đồng cỏ, khí metan đun nóng nước sử dụng cho trang trại hay sấy khô cỏ, thay cho việc sử dụng điện.
Năng lượng tái tạo, năng lượng xanh
Tại Vinamilk, việc đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo được chú trọng từ nhiều năm trước. Theo định hướng bảo vệ nguồn năng lượng và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Vinamilk chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, khí CNG, Biogas và Biomass thay thế cho năng lượng truyền thống như điện, dầu FO, DO. Đến nay, năng lượng xanh đạt khoảng 90% nguồn năng lượng tiêu thụ tại các nhà máy Vinamilk.
Chỉ tính riêng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng cũng đã giảm thiểu 23,2 tấn CO2/năm, tương đương trồng 4,6 triệu cây xanh.
Nền tảng quản trị vững mạnh
Hệ thống quản trị với các chuẩn mực quốc tế cũng được doanh nghiệp này thực hành khá sớm, từ cách đây gần 10 năm. Trên thị trường, Vinamilk vẫn luôn được đánh giá là doanh nghiệp minh bạch, quản trị tốt và có nền tảng chắc chắn với mô hình quản trị tiên tiến.
Việc Vinamilk tích hợp ESG vào kế hoạch chiến lược cũng đang giúp quản trị và quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời mang lại giá trị cho cổ đông và tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới luôn có sự biến động với các vấn đề như lạm phát, nguồn cung nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng toàn cầu…
Mới đây, Vinamilk được Ban tổ chức Giải thưởng CSR & ESG toàn cầu vinh danh với 2 hạng mục “Doanh nghiệp dẫn đầu CSR và ESG” – (Thứ hạng Vàng) và “Doanh nghiệp CSR tiêu biểu của Việt Nam” (Thứ hạng Bạch Kim). Điều này cũng cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực và hành động tích cực của Vinamilk trong tiến trình thúc đẩy đầu tư ESG và CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp).
Ngoài ra, Vinamilk còn được Brand Finance đánh giá là thương hiệu sữa tiềm năng nhất toàn cầu, Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu, với kỷ lục mới về giá trị thương hiệu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 18% so với 2021. Đáng chú ý, Vinamilk là đại diện duy nhất đến từ Đông Nam Á và chỉ xếp sau thương hiệu đến từ thị trường lớn nhất nhì của thế giới là Ấn Độ về sức mạnh thương hiệu.
Gắn liền với các đóng góp cho cộng đồng
Về khía cạnh xã hội, Vinamilk đã thực hiện nhiều chương trình cộng đồng hướng đến những đối tượng cần được quan tâm. Điển hình như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam với sứ mệnh “Để mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày” đã thực hiện trong 15 năm, mang niềm vui uống sữa cho gần nửa triệu trẻ em khó khăn trên cả nước hay Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã mang những mảng xanh đến với 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, an toàn và chất lượng sản phẩm là một trong 6 trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk và điều này được công ty đặt làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm của Vinamilk không chỉ đạt các tiêu chuẩn quốc tế mà còn có nhiều chủng loại để đáp ứng đa dạng các nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Có thể thấy, Vinamilk là một điển hình về việc định hướng rõ ràng và sự tích cực trong việc thực hành các tiêu chí ESG, không chỉ để có nền tảng vững vàng hơn trong giai đoạn nhiều biến động mà còn hướng đến một tương lai bền vững trong dài hạn.