Đi bộ là môn thể thao phù hợp với nhiều người, đơn giản, dễ thực hiện, nhưng sự thật không phải phù hợp với tất cả mọi người.
Treo chân vì phong trào 10.000 bước chân
Theo phong trào 10.000 bước chân của xóm, bà Nguyễn Thị Hằng (54 tuổi, Phú Thọ) cũng gia nhập đoàn đi bộ. Hàng ngày, bà cùng khoảng chục người hàng xóm cùng nhau đi bộ và đo sao cho đủ 5.000 – 6.000 bước chân mới dừng.
Sau 3 hôm đi bộ, bà Hằng thấy đầu gối đau hơn, sưng to hơn. Bà Hằng sợ quá liền tới bệnh viện kiểm tra.
Kết quả chụp Xquang bác sĩ cho biết bà bị tràn dịch khớp gối phải hút dịch hoặc cố định chân trong vòng một thời gian. Nguyên nhân của tràn dịch gối là do bà đi bộ quá nhiều.
Bà Hằng than thở, đi bộ để cho khỏe gân cốt nào ngờ chưa khỏe đã phải treo chân. Sau khi tìm hiểu kỹ, bà Hằng quyết định không hút dịch mà về nhà nẹp gối theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau 1 tuần nẹp chân mới tập tễnh đi lại được.
[Đọc thêm: Uống rượu đỏ mặt có nguy hiểm không? ]
Cũng giống bà Hằng, bà Đào Thị Nhiên (khu đô thị Trung Văn, Hà Nội) cũng đau chân không đi được chỉ vì đi bộ quá nhiều. Bà Nhiên kể chồng bà rất chịu khó chạy bộ, ngày nào ông cũng chạy cả chục km nên khỏe mạnh. Bà Nhiên bận công việc, sau này lại có cháu nên bận hơn. Trong khi đó đầu gối hai chân thoái hóa rất đau nên bác sĩ khuyến cáo luyện tập nhiều hơn.
Khi cháu nội đi trường mầm non, bà Nhiên lên kế hoạch đi bộ. Bà nghĩ đi càng nhiều càng tốt nên hôm nào cũng vậy sau khi cho cháu vào trường học bà đi bộ nhiều vòng khu đô thị đến gần trưa mới về nhà nấu cơm.
Được 1 tuần, chân bà Nhiên bắt đầu đau. Bà Nhiên cứ nghĩ đau chân do mới đi tập nên không bỏ cuộc. Kết quả chân đau không lết được. Vào viện kiểm tra lại thì bà cũng bị tràn dịch ổ khớp mà nguyên nhân là do ổ khớp bị quá tải do đi bộ nhiều.
Ảnh minh họa.
Chị Nguyễn Thị Oanh (Thái Bình) tâm sự chị cao 1,54 cm nhưng nặng tới 68 kg. Chị Oanh luôn có mong muốn giảm cân nên cũng tìm bài tập cho mình. Sau khi xem xét, chị Oanh tìm bài tập “quốc dân” là đi bộ. Sau 1 thời gian đi bộ cân chưa giảm được nhưng đầu gối đau không đi được. Chị Oanh đi khám bác sĩ cho biết do tình trạng thừa cân béo phì của chị làm áp lực khớp vốn quá tải cộng thêm việc đi bộ nhiều càng làm quá tải hơn gây viêm khớp.
Ai không nên đi bộ?
Theo TS BS Tăng Hà Nam Anh – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, vận động tốt cho sức khỏe nhất là tốt cho các khớp nhưng khớp vận động quá mức làm tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp và tế bào sụn khớp chết nhanh hơn.
BS Nam Anh cho biết không phải ai cũng nên đi bộ và đi bộ nhiều là tốt. Có nghiên cứu tiến hành đo áp suất tác động lên các tế bào sụn khớp gối của các vận động viên chạy đua marathon sau khi thực hiện cuộc chạy thì thấy kết quả là có sự tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp gối.
Vì vậy người ta cho rằng hoạt động quá mức sẽ làm tăng áp suất trong tế bào sụn và làm mau thoái hoá khớp hơn.
Đối với những người bị bệnh xương khớp, TS Nam Anh cho rằng, người bệnh nên tham khảo bác sĩ các hình thức tập luyện của mình như thế nào cho phù hợp. Với đi bộ cũng khó đưa ra khuyến cáo cho một ai bởi vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đi bộ nhiều hay ít, đi nhanh hay chậm.
Đặc biệt còn tùy vào tình trạng sụn khớp của mỗi người. Ví dụ người đó còn nhiều sụn khớp hay không, người đó bị thoái hóa độ mấy, đi bộ nền mặt cỏ, mặt cát hay mặt bê tông.
Việc đi bộ an toàn, TS Nam Anh cho rằng tốt nhất là mỗi người khi đi bộ thấy đầu gối, cử động đau thì cần nghỉ ngơi và không nên quá cố gắng.
TS Nam Anh đã gặp rất nhiều bệnh nhân chấn thương khớp gối vì muốn chinh phục mục tiêu 10.000 bước chân mỗi ngày. Kết quả đi được 3, 4 ngày thì gối đã bị chấn thương. Hay có những bệnh nhân có bệnh lý về đĩa sụn ở khớp, đứt các dây chằng gối nhưng cố đi bộ nhiều và kết quả nhận được là bệnh nặng hơn.
Vì vậy, một số chuyên gia y học thể thao đưa ra khuyến cáo không phải đi bộ là tốt cho người bị bệnh liên quan tới đĩa sụn khớp, dây chằng.
TS Nam Anh cho biết những người có vấn đề về khớp nên thực hiện các bài tập sức bền an toàn cho hai cẳng chân. Các bài tập về cân nặng cơ thể như ngồi xổm, squat là những lựa chọn tốt hơn là cố chạy bộ.